Ngành chế biến thủy sản nỗ lực vượt khó
Năm 2023, ngành chế biến thủy sản được dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, giá cước vận chuyển quốc tế tiếp tục giữ mức cao, giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu vẫn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, các DN chế biến thủy sản trong tỉnh nỗ lực tìm cách tổ chức sản xuất hợp lý, tháo gỡ khó khăn, trước mắt là giữ ổn định việc làm cho công nhân…
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 1.2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra đạt 107 triệu USD (giảm 50%); xuất khẩu tôm đạt 169 triệu USD (giảm 46%); xuất khẩu cá ngừ gần 60 triệu USD (giảm 32%).
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn. Ảnh: HẢI YẾN
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, kiêm Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản An Hải (Khu công nghiệp Nhơn Hội), cho biết: Năm 2022, 2 công ty đạt doanh thu xuất khẩu thủy sản gần 140 triệu USD. Nhưng sang quý I/2023, đơn hàng của công ty giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù đơn hàng mới rất hiếm nhưng giá nguyên liệu lại cao vọt lên so với hồi cuối năm 2022. 2 công ty đang cố gắng duy trì việc làm cho 1.400 lao động; công nhân không còn tăng ca, chia nhau nghỉ xoay vòng vào các ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật; chúng tôi nỗ lực giữ mức thu nhập bình quân của công nhân ở mức 8,5 triệu đồng/người/tháng.
Rất nhiều công ty chế biến thủy hải sản trong tỉnh lâm vào tình thế khó khăn vì cung vượt cầu, các nhà nhập khẩu ép giá nhưng các nhà sản xuất vì muốn duy trì sản xuất, giữ ổn định lực lượng công nhân nên phải chấp nhận bán với giá vốn, thậm chí bán dưới giá vốn nhằm đảm bảo quay vòng vốn; giảm bớt rủi ro. Hiện nay hầu hết DN đều ưu tiên duy trì lực lượng lao động cơ bản bởi nếu ngưng sản xuất thì cán bộ, công nhân nhà máy buộc phải tìm việc làm khác, đến khi thị trường tốt lên, cần huy động để phục vụ sản xuất sẽ rất khó gọi lại.
Ông Bành Quang Hạ, Giám đốc Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, cho biết: Tính đến ngày 20.2.2023, công ty còn 84 lao động, giảm 30 lao động so với đầu năm 2022. Thu nhập của người lao động bị giảm sút do thiếu đơn hàng. Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn thu nhập và giữ chân người lao động. Hiện chúng tôi đang tập trung khai thác, tìm khách hàng mới, thị trường mới cho mặt hàng tôm xuất khẩu, đồng thời tìm kiếm mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất tốt, giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.
Một số công ty đã kiến nghị với UBND tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ, đề xuất các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với ngoại tệ; nới rộng điều kiện tín dụng để DN được vay phục vụ sản xuất, đặc biệt với các DN hoạt động lâu năm, điểm tín dụng cao, cần các ngân hàng hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Theo các DN ngành thủy sản, trong 3 tháng gần đây, lãi suất vay đã tăng đột biến với biên độ rất lớn 1% so với mức tăng thông thường trước đây (0,2 - 0,3%). Do đó, các DN đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ giảm lãi suất cho DN từ 1,5 - 2%/năm đối với các khoản vay tiền đồng Việt Nam cho ngắn hạn, trung và dài hạn; giảm 0,5 - 1%/năm đối với khoản vay USD/EUR cho ngắn hạn. Ngoài ra, về cơ cấu lại thời hạn trả nợ vào năm 2023, đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho DN được tăng/giữ hạn mức tín dụng, giãn nợ và không hạ bậc tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, xử lý hàng tồn kho...
Theo bà Cao Thị Kim Lan, để gỡ khó về nguồn nguyên liệu, các công ty phải xây dựng kho lạnh lớn, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc hiện đại… mới đáp ứng yêu cầu của một số thị trường xuất khẩu lớn ở các nước Mỹ, châu Âu. Vì vậy DN chế biến, xuất khẩu thủy sản rất cần ngân hàng thương mại xem xét các phương án, thuyết minh đầu tư xây dựng cơ bản mở rộng tăng công suất của DN, đón đầu cơ hội khi thị trường thuận lợi.
Sau các cuộc gặp, tiếp xúc với DN ngành thủy sản đầu năm 2023, một số kiến nghị của DN được UBND tỉnh giải quyết kịp thời. Điển hình như Công ty TNHH Thủy sản An Hải đã được UBND tỉnh chấp thuận thuê 2 ha mở rộng nhà máy sản xuất chế biến, làm kho lạnh dự trữ nguồn nguyên liệu sản xuất tại Khu công nghiệp Nhơn Hội. Công ty CP Thủy sản Bình Định đang chờ UBND tỉnh bố trí đất thuê để di dời, đầu tư xây dựng nhà máy mới hiện đại hơn.
HẢI YẾN