Truyền thanh cơ sở tiếp cận với chuyển đổi số
Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông góp phần giảm thiểu những hạn chế trong công tác thông tin tuyên truyền, từng bước phát huy tốt hơn hiệu quả trong việc truyền tải tin tức đến người dân ở cơ sở.
Theo ông Phạm Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở TT&TT, những năm qua, hệ thống đài truyền thanh cơ sở đã phát huy tốt vai trò, thông tin kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đến đông đảo nhân dân. Qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, người dân trong tỉnh, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở các vùng sâu, vùng xa có thể dễ dàng tiếp cận nhiều loại thông tin chính thống… Tuy nhiên, đài truyền thanh cơ sở trong tỉnh hầu hết là đài phát sóng FM. Loại hình phát sóng này còn nhiều hạn chế, như: Bị địa hình chi phối, dễ hỏng hóc, khó sửa chữa, bảo dưỡng; vùng phát thanh bị giới hạn; khó lắp đặt các cụm loa ở vùng sâu, vùng xa; chất lượng âm thanh không ổn định, lẫn tạp âm, chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết…
Do đó, đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) ra đời là giải pháp công nghệ mới, hiện đại, có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với truyền thanh không dây FM, như: Không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; khắc phục được các lỗi thường xảy ra với các hệ thống tiếp âm sóng FM (bị nhiễu, sóng không ổn định do thời tiết); ứng dụng công nghệ số để sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình phát thanh (kiểm duyệt chương trình từ xa, chuyển tải chương trình trên hệ thống từ Trung ương đến địa phương hoặc sang các ứng dụng khác, có thể là cổng thông tin điện tử của địa phương)… Đồng thời, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong một số khâu, như chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số; giải quyết được bài toán thiếu nhân lực quản lý, vận hành đài truyền thanh cơ sở.
Năm 2022, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) là một trong những địa phương được triển khai mô hình thí điểm đầu tư đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT. Trang thiết bị của đài được đầu tư gồm 8 cụm phát thanh thông minh, với 8 thiết bị truyền thanh thông minh Mira, 16 loa phát thanh, 8 sim data 4G, 1 microphone, 1 máy tính để bàn để quản trị, vận hành, biên tập nội dung phát thanh. Qua gần 3 tháng đi vào hoạt động, hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT đã thực sự phát huy hiệu quả.
Theo chị Mai Thị Kim Oanh, Trưởng Đài truyền thanh xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh), chỉ cần một cú nhấp chuột vào phần chuyển đổi văn bản sang giọng nói, phần mềm sẽ tự động đọc văn bản và thực hiện phát sóng theo yêu cầu. Ảnh: TRỌNG LỢI
Chị Mai Thị Kim Oanh, Trưởng Đài truyền thanh xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh cho biết, việc đưa hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT với những tính năng hiện đại vào sử dụng bước đầu đã giúp địa phương gỡ khó việc thiếu cán bộ làm truyền thanh hiện nay, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. “Ở đâu có sóng 3G/4G là ở đó có truyền thanh, chất lượng âm thanh tốt, hiệu quả thông tin, tuyên truyền cao”, chị Oanh nhấn mạnh.
Bày tỏ sự hài lòng về chất lượng đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, ông Nguyễn Đức Quyên, cán bộ kỹ thuật Đài truyền thanh xã Canh Hiệp với hơn 20 năm trong nghề, chia sẻ: “Vận hành hệ thống này, người phụ trách chuyên môn chỉ cần soạn thảo bản tin hoặc các thông báo của địa phương trên phần mềm truyền thanh thông minh. Sau khi được lãnh đạo duyệt nội dung, cán bộ phụ trách chỉ cần một thao tác nhấp chuột vào phần chuyển đổi văn bản sang giọng nói, phần mềm sẽ tự động đọc văn bản rất “chuyên nghiệp” và thực hiện phát sóng theo yêu cầu. Trước đây, sau khi hoàn thành nội dung chương trình phát thanh, chúng tôi phải đọc nên vừa mất thời gian, giọng đọc phát thanh viên có phần khô cứng, nên việc chuyển tải thông tin đến công chúng không thật sự hấp dẫn, cuốn hút”.
Có thể nói, việc triển khai truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT đã và đang từng bước hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin từ cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh. Với những ưu điểm vượt trội đó, trong năm 2023, UBND tỉnh hỗ trợ 55 tỷ đồng cho 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh để tiếp tục thực hiện đầu tư đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT.
Thực hiện Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20.1.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, ngày 16.3.2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng mô hình điểm đầu tư đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT trên địa bàn tỉnh, nhằm hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở. Hơn 2 năm triển khai kế hoạch, đến nay, toàn tỉnh đã có 27/159 đài truyền thanh cơ sở được đầu tư mới hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT.
TRỌNG LỢI