Xen canh lúa rẫy trên rừng trồng mới
Những năm gần đây, nhiều hộ dân tại các xã vùng cao của huyện An Lão như An Toàn, An Nghĩa… đã tận dụng diện tích đất rừng trồng mới ở những năm đầu để trồng xen canh lúa rẫy. Nếu trước đây người dân thường đốt rừng để làm nương rẫy, thì giờ đây, người dân đã ý thức được việc bảo vệ rừng và tận dụng diện tích đất rừng trồng mới để trồng xen canh. Nhờ đó vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa hạn chế xói mòn và tạo nguồn phân hữu cơ tốt cho cây lâm nghiệp mới trồng phát triển.
Ông Đinh Văn Lớ, ở thôn 3, xã An Toàn, cho biết: Nhận thấy diện tích đất rừng mới trồng tơi xốp, nhiều mùn tro, hằng năm vào cuối tháng giêng gia đình tôi gieo 50 kg hạt giống lúa nếp rẫy trên 1,5 ha rừng mới trồng. Việc trồng xen canh lúa rẫy trên đất rừng trồng mới vừa giúp tận dụng diện tích đất để tăng thu nhập cho gia đình, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, bón phân cho cây rừng. Tháng 10 âm lịch vừa qua, gia đình tôi đã thu hoạch được gần 2 tấn thóc, bán được gần 50 triệu đồng.
Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm toàn huyện An Lão trồng gần 20 ha lúa rẫy. Nhờ trồng xen canh lúa rẫy, nhiều gia đình vừa có thêm thu nhập, vừa bảo vệ và chăm sóc tốt cho cây lâm nghiệp mới trồng. Theo các hộ dân, lúa rẫy được trồng từ tháng giêng đến khoảng tháng 10 âm lịch sẽ cho thu hoạch. Trung bình 1 ha lúa sẽ cho thu hoạch từ 1,5 - 1,8 tấn thóc, bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg. Lúa rẫy ít sâu bệnh, hạt gạo dẻo và thơm ngon hơn những loại gạo khác nên được nhiều người ưa chuộng.
Ông Đinh Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão, cho biết: Việc xen canh này thường diễn ra trong 2 năm đầu ở rừng trồng mới, không những góp phần tăng thu nhập cho người dân mà còn hạn chế được xói mòn, tạo nguồn phân hữu cơ (do rơm rạ phân hủy) tốt cho cây lâm nghiệp phát triển. Cách “lấy ngắn nuôi dài” như thế này mang lại nhiều lợi ích, góp phần phát triển kinh tế đồi rừng và phát triển rừng gỗ lớn, cho hiệu quả kinh tế cao.
DIỆP THỊ DIỆU