Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”
(BĐ) - Ngày 23.2, Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết đã ban hành kế hoạch và thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” trên địa bàn tỉnh.
Thời gian triển khai giám sát từ ngày 1.3 đến 10.3. Đoàn sẽ làm việc trực tiếp tại một số cơ quan, đơn vị liên quan gồm: UBND tỉnh, Sở Công Thương, Sở TN&MT; Công ty Điện lực Bình Định và một số DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Mục đích của việc giám sát nhằm đánh giá khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021. Làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Kiến nghị, đề xuất các phương án xử lý những tồn tại, hạn chế, bất cập; các giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...
Nội dung giám sát tập trung vào việc ban hành chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện trong lĩnh vực năng lượng để thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn (trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan). Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, bao gồm: tình hình đầu tư phát triển, cung cầu và an ninh, an toàn, tiết kiệm năng lượng; Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng; Chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; Quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; phân công, phân nhiệm quản lý nhà nước, cơ cấu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; Cơ chế đầu tư, kinh doanh phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, giá cả thị trường năng lượng, cơ chế dự trữ, dự phòng năng lượng.
G. NGUYỄN