Mỹ bắt đầu triển khai Đạo luật CHIPS và Khoa học trị giá 53 tỷ USD
Chương trình sẽ là một phép thử đối với Mỹ về việc theo đuổi chính sách công nghiệp và xây dựng lại chuỗi cung ứng trong nước để có thể chịu đựng được các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
Trong tuần này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu triển khai chương trình Đạo luật CHIPS và Khoa học trị giá 53 tỷ USD.
Ngày 23.2, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo sẽ thông báo kế hoạch cung cấp khoản trợ cấp cho sản xuất chip, và trong tuần tới sẽ có thêm các thông tin chi tiết về cách các công ty đăng ký tài trợ.
Đây là khoản đầu tư công rất lớn bao gồm khoảng 39 tỷ USD khuyến khích các nhà máy sản xuất chip và các nhà máy sản xuất vật liệu và thiết bị cùng với 13,2 tỷ USD dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo lực lượng lao động.
Chương trình kèm theo các ưu đãi về thuế, cung cấp khoản tín dụng thuế đầu tư nâng cao 25% cho thiết bị sản xuất và chế biến.
Theo Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn, hơn 40 dự án đã được công bố với cam kết đầu tư gần 200 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất mới.
Các nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ như Intel, Micron Technology và Texas Instruments... đều đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất.
Các giám đốc điều hành, nhà lập pháp và những người trong ngành cảnh báo chỉ riêng Đạo luật CHIPS và Khoa học sẽ không đủ để giải quyết các thách thức mà Mỹ phải đối mặt để củng cố ngành công nghiệp này và đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của Trung Quốc.
Chương trình cũng là một phép thử đối với Mỹ về việc theo đuổi chính sách công nghiệp và xây dựng lại chuỗi cung ứng trong nước để có thể chịu đựng được các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính chương trình có thể hỗ trợ tăng thị phần của Mỹ trong sản xuất chip toàn cầu dưới 1% và lưu ý chi phí xây dựng và vận hành một nhà máy mới ở Mỹ cao hơn 44% so với ở Đài Loan (Trung Quốc).
Theo Kiều Trang (TTXVN/Vietnam+)