GIẢI THƯỞNG ĐÀO TẤN - XUÂN DIỆU DÀNH CHO VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TỈNH BÌNH ĐỊNH:
Tôn vinh giá trị nhân văn
Ngày 15.2, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu dành cho văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Định lần thứ VI (2016 - 2020). Theo đó, tỉnh Bình Định trao 18 giải A, 31 giải B và 26 giải khuyến khích. Đây là giải thưởng được tổ chức định kỳ 5 năm/lần, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với những đóng góp của đội ngũ văn nghệsĩ trong tỉnh. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở VH&TT, Phó Chủ tịch Hội đồng xét tặng giải thưởng xung quanh lần trao giải này.
Ông TẠ XUÂN CHÁNH, Giám đốc Sở VH&TT. Ảnh: TRỌNG LỢI
* Thưa ông, sau 6 lần tổ chức, đây là lần có nhiều tác giả gửi tác phẩm dự giải nhất, số lượng tác phẩm cũng đa dạng, nhiều nhất. Điều đó khẳng định, Giải thưởng ngày càng có sức hút và nhận được sự quan tâm của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà?
- Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ VI có 84 tác giả, nhóm tác giả và 1 đơn vị/99 tác phẩm, 18 cụm tác phẩm (284 tác phẩm) và 6 cuộc triển lãm (304 tác phẩm) tham gia xét tặng ở 7 chuyên ngành, gồm: Văn học, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Sân khấu, Văn nghệ dân gian và Múa. So với đợt xét giải lần thứ V (2011 - 2015), số lượng tác giả, tác phẩm tham dự lần này nhiều hơn và có thêm chuyên ngành xét giải mới là Múa.
Đáng mừng trong số 75 giải thưởng được xét tặng, nhiều tác phẩm có chất lượng nội dung xuất sắc. Nhiều tác giả có những tìm tòi, khám phá trong sáng tạo nghệ thuật qua hình thức biểu đạt mới, vừa mang yếu tố truyền thống vừa gắn với nghệ thuật hiện đại, tạo nên những tác phẩm mới có giá trị cao. Bên cạnh đó, chủ đề và đề tài các tác phẩm tham gia lần này cũng đa dạng, phong phú về nội dung tư tưởng, phản ánh chân thực cuộc sống, công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương đất nước. Điển hình ở chuyên ngành Âm nhạc có tập ca khúc Giao cảm của nhạc sĩ Nguyễn Thế Tuyên; hoặc ở chuyên ngành Văn nghệ dân gian có tác phẩm Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha; hay tập truyện ngắn Bóng rồng của nhà thơ Triều La Vỹ ở chuyên ngành Văn học…
* Trong 18 giải A được Hội đồng xét chọn trao thưởng, chuyên ngành Nhiếp ảnh có số lượng tác giả, tác phẩm được trao giải A nhiều nhất (6 giải); trong khi đó, chuyên ngành Múa không có tác phẩm đạt giải cao nhất. Phải chăng, hoạt động VHNT tỉnh ta phát triển chưa đồng đều?
- Tại giải thưởng lần này, chuyên ngành Nhiếp ảnh có 18 tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm tham dự xét giải, trong đó có 6 cuộc triển lãm ảnh và 15 cụm tác phẩm ảnh, với nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan ảnh trong nước và quốc tế. Căn cứ quy định giải thưởng và chất lượng tác phẩm, Hội đồng xét giải đã chấm chọn 6 giải A. Những năm qua, đội ngũ nghệ sĩ và hoạt động nhiếp ảnh Bình Định có sự vươn lên, phát triển mạnh mẽ, bên cạnh các nhà nhiếp ảnh gạo cội đã khẳng định tên tuổi, như: Đào Tiến Đạt, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Xuân Tuyến, thì nay có thêm nhiều tay máy trẻ tài năng. Họ rất chịu khó tìm tòi, tư duy sáng tạo hiện đại, như: Trần Bảo Hòa, Nguyễn Phước Hoài, Nguyễn Tiến Dũng.
Chuyên ngành Múa còn khá mới mẻ lại góp mặt lần đầu nên chỉ có 4 kịch bản múa đã được dàn dựng và công diễn của 2 tác giả gửi xét giải thưởng là phản ảnh đúng thực tế. Kết quả, Hội đồng xét tặng giải thưởng xem xét, quyết định chấm chọn 2 giải B. Đây là các tiết mục múa đạt giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan toàn quốc do Bộ VH-TT&DL, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức.
Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ VI có lượng tác giả gửi tác phẩm dự giải nhiều nhất.
- Trong ảnh: Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh trong chuyến thực tế sáng tác tại huyện Tây Sơn. Ảnh: VÂN PHI
* Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu thể hiện sự quan tâm của UBND tỉnh đối với văn nghệ sĩ tỉnh nhà, là sự ghi nhận thành quả lao động nghệ thuật của họ trong những năm qua, tạo sự khích lệ, động viên rất lớn để văn nghệ sĩ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác nghiên cứu, sáng tác…
- Nhìn chung, các tác phẩm VHNT đạt giải lần này được Hội đồng giám khảo đánh giá tốt, phản ánh rõ nét bước chuyển mình đi lên của đời sống xã hội, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bình Định. Nhiều tác phẩm đã phản ánh chân thật cuộc sống xã hội và lao động sáng tạo của nhân dân, khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đem đến bức tranh đa dạng, phong phú về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật và phong cách sáng tạo, góp phần phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn học, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Tôi kỳ vọng rằng, sau giải thưởng lần này, văn nghệ sĩ Bình Định sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tích cực bám sát hiện thực, tìm kiếm đề tài, phương pháp thể hiện, sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng cao hơn. Tôi tin ở kỳ xét giải lần thứ VII, sẽ có nhiều hơn người trẻ- những gương mặt triển vọng đạt giải. Qua đó, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh nhà cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, lan tỏa tác phẩm đến công chúng trong và ngoài tỉnh.
Để giải thưởng phát triển hơn nữa, Sở VH&TT tiếp tục phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật Bình Định và các sở, ngành liên quan xem xét, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung điều kiện xét giải chặt chẽ hơn, nhằm đáp ứng kịp thời tình hình hoạt động văn học, nghệ thuật tỉnh nhà.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)