Văn hóa và sức mạnh soi đường cho quốc dân
Được ví như bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng cộng sản Việt Nam, Đề cương văn hóa Việt Nam là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các văn kiện của Đảng về văn hóa, văn nghệ, góp phần định hướng công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Nhà tưởng niệm Tổng Bí Thư Trường Chinh ở huyện Xuân Trường, Tỉnh Nam Định, lưu giữ nhiều tư liệu quý về cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ Bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2.1943.
Năm 1943, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, 90% người dân mù chữ, đời sống tinh thần xã hội ngột ngạt, nhiều trí thức Việt Nam có phần hoang mang, bi quan, bế tắc. Do vậy, ngay từ khi chưa giành được chính quyền, Đảng đã xác định: việc cần kíp ngay lúc này là thống nhất nhận thức, tư tưởng định hướng học thuật cho văn sĩ tri thức, xây dựng phong trào văn hóa cứu quốc, nhằm đập tan chính sách ngu dân...
Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời được ví như bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của đảng cộng sản Việt Nam. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng đã sớm nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa, con người Việt Nam. Bởi vậy, năm 1943 Đảng đã có khát vọng về một nền văn hóa mới, khi chúng ta giành được chính quyền thì sẽ xây dựng một nền văn hóa mới. Đó là nền văn hóa cách mạng và chúng ta sẽ phải xây dựng nền văn hóa ấy theo ba phương châm. Đó là “dân tộc hóa”, “khoa học hóa” và “đại chúng hóa”. Trong bản đề cương này, Đảng ta cũng đã xác định mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa, là phải hoàn thành “cách mạng văn hóa” rồi mới “hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”.
Theo GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 mang sứ mệnh lịch sử như sự chuẩn bị đêm trước Cách mạng, khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng với cách mạng văn hóa, để Văn hóa thực sự soi đường cho quốc dân đi: "Đề cương văn hóa 1943. Đó là cương lĩnh, văn kiện đầu tiên. Có đề cương đó rồi mới có sự tổ chức các lực lượng văn hóa. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân, một bản lĩnh văn hóa rất lớn. Trong thực tiễn cách mạng diễn ra thì phải có soi đường bằng văn hóa, soi sáng về lý luận để tìm một con đường. Phải có bản lĩnh văn hóa lớn thì mới tìm được con đường đó và trong đó lõi cốt là ở Hồ Chí Minh".
Đề cương về văn hóa Việt Nam đã xác định cách mạng văn hóa muốn thành công thì phải do Đảng lãnh đạo, điều này đã được thể hiện trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng luôn chú trọng phát triển văn hóa và luôn chịu trách nhiệm trước mọi vấn đề về văn hoá. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 13, Đảng ta đã chỉ rõ, đầu tư cho văn hóa còn chưa tương xứng với chính trị, kinh tế. Điều đó thể hiện tính nghiêm túc, nghiêm khắc trong xây dựng văn hóa cũng như lãnh đạo toàn xã hội. Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa luôn là vấn đề được quan tâm, bàn thảo để văn hóa thật sự trở thành nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, để văn hóa "soi đường cho quốc dân đi". PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Nguồn lực cho văn hóa không chỉ liên quan đến tài chính mà còn là thể chế-chính sách và nguồn nhân lực. “Khi chúng ta nói đến nguồn lực đầu tư về tài chính là một nguồn lực hết sức quan trọng thông qua việc đầu tư cho văn hóa xác định được hướng mà chúng ta ưu tiên phát triển. Điều này không chỉ có ích cho văn hóa, mà có thể lan tỏa sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như: kinh tế, giáo dục hay là khoa học công nghệ…bất kỳ một lĩnh vực nào khác trong xã hội, kể cả chính trị. Chính vì thế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa chính là cách để đầu tư cho sự phát triển chung của đất nước”, ông nói.
80 năm trôi qua, từ cương lĩnh văn hóa đầu tiên, trong mỗi thời kỳ của cách mạng, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng phát huy vai trò của văn hóa để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc nhằm biến khát vọng thành hiện thực. Điều quan trọng là cần khởi động lại Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nhằm hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng và phát triển nền văn hóa đất nước. Đây sẽ là chất xúc tác quan trọng, là căn cứ về chính trị, pháp lý để có những đầu tư lớn cho văn hóa, tháo gỡ về nguồn nhân lực cho văn hóa. Đây cũng là mong muốn của mỗi người dân:
Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị thể hiện một dòng chảy xuyên suốt của sự phát triển văn hóa, quan điểm và tư tưởng định hướng của Đảng về văn hóa, để cuối cùng khẳng định sứ mệnh của văn hóa là “soi đường cho quốc dân đi”./.
(Theo Lại Hoa/VOV1)