Hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí
(BĐ) - Trong khuôn khổ dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024 và chương trình công tác năm 2023 của Bộ TT&TT; sáng 24.2, tại TP Quy Nhơn, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh và Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023.
Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Ảnh: TRỌNG LỢI
Dự và chủ trì diễn đàn có các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Ảnh: TRỌNG LỢI
Diễn đàn có sự tham dự của hơn 100 đại biểu, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các diễn giả, nhà nghiên cứu uy tín trong cả nước.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phát biểu chào mừng diễn đàn, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Việc Bộ TT&TT lựa chọn tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 tại TP Quy Nhơn là một vinh dự cho tỉnh. Đây là cơ hội để tỉnh giới thiệu về hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; là dịp thuận lợi để các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí có cơ hội trao đổi, thảo luận, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế báo chí từ các cơ quan báo chí Trung ương, các địa phương trong thời kỳ kinh tế số phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng, báo chí hiện nay đang gặp khó khăn về tài chính. Do vậy, kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển; đặc biệt giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam; là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Trong điều kiện nguồn thu của báo chí bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều cơ quan báo chí trong đó có cơ quan báo chí của tỉnh nhà đang gặp nhiều khó khăn, báo in ngày càng sụt giảm, trong khi vẫn phải đầu tư cho báo điện tử mà không thu được doanh số đáng kể; truyền hình mất dần doanh thu, nguồn thu quảng cáo bởi các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến các cơ quan báo chí thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Ảnh: TRỌNG LỢI
Để tháo gỡ nút thắt này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị các cơ quan báo chí phải nhanh chóng chuyển sang cơ chế đặt hàng, trong đó có các cơ quan báo chí của tỉnh (Đài PT-TH Bình Định, Báo Bình Định). “Nhà nước vẫn đảm bảo ngân sách đặt hàng, đảm bảo nuôi sống cơ quan báo chí. Ngoài ra cơ quan báo chí có thể ký hợp đồng thêm với các đơn vị có nhu cầu về mặt truyền thông. Khi tự chủ về mặt tài chính, cơ quan báo chí hoàn toàn có quyền, đặt ra quy chế tài chính cho chi tiêu nội bộ, đảm bảo chi trả đúng người, đúng việc, theo chất lượng. Năm nay, tỉnh Bình Định cũng dành khoản kinh phí cho hoạt động truyền thông theo nhu cầu của tỉnh, trong đó tỉnh ưu tiên cho những hoạt động truyền thông chính sách, tập trung truyền thông các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương...”, đồng chí Phạm Anh Tuấn cho hay.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, hiện nay, chính quyền địa phương cũng như các sở, ngành đã bắt đầu quan tâm đến cơ chế đặt hàng báo chí, với các khoản kinh phí dành cho truyền thông. Như vậy, bài toán về kinh phí cho cơ quan báo chí hoạt động là có. Tuy nhiên, để việc này được triển khai thuận lợi, các cơ quan báo chí phải xây dựng định mức, đơn giá và phải có sự thống nhất từ cơ quan chủ quản, cơ quan liên quan. Đối với những tác phẩm nằm trong cơ chế đặt hàng sẽ được nghiệm thu, đánh giá. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần ứng dụng công nghệ số. Nếu làm tốt việc này, các cơ quan báo chí sẽ hoạt động ổn định, đời sống đảm bảo.
“Tại diễn này lần này, tôi mong muốn các đại biểu, diễn giả, nhà nghiên cứu cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy kinh tế báo chí phát triển…”, đồng chí Phạm Anh Tuấn chốt vấn đề.
Cho rằng kinh tế báo chí là vấn đề quan trọng nhưng chưa được đề cập nhiều; giữa bối cảnh doanh thu báo chí ở nhiều cơ quan báo chí trong nước sụt giảm mạnh, đứng trước những khó khăn nhất định, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: “Diễn đàn là cơ hội để đại diện các cơ quan báo chí tâm sự, giãi bày, chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm tốt để gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí hiện nay mà nhiều cơ quan báo chí gặp phải với tinh thần lạc quan tiến về phía trước”.
Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền trình bày tham luận tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Ảnh: TRỌNG LỢI
Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 diễn ra 2 phiên thảo luận, với 11 tham luận được các đại biểu, diễn giả, nhà nghiên cứu trình bày liên quan đến các vấn đề, như: Thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu/hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay; những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan đến cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ; chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta.
Một đại biểu trình bày tham luận tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Ảnh: TRỌNG LỢI
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu còn đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí, như: Chuyển đổi số báo chí nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo ra một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả, đảm bảo vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và dư luận xã hội. Chuyển đổi số cũng gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới…
TRỌNG LỢI