Nhiều gợi mở cho phát triển kinh tế báo chí
Nhiều giải pháp, kiến nghị được đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023, do Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh và Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức vào sáng 24.2, tại TP Quy Nhơn, nhằm phát triển kinh tế báo chí tại Việt Nam trong thời gian tới. Báo Bình Định trích giới thiệu một số ý kiến:
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (người ngồi hàng đầu, thứ hai từ phải sang) đồng chủ trì Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Ảnh: TRỌNG LỢI
NHÀ BÁO NGÔ VIỆT ANH, PHÓ TRƯỞNG BAN NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ, BÁO NHÂN DÂN:
Truyền thông sáng tạo, hiện đại để tăng nguồn thu trên nền tảng số
Năm 2022, tổng doanh thu quảng cáo trên toàn cầu vượt mức 500 tỷ USD, trong đó doanh thu quảng cáo trên nền tảng số chiếm hơn 50% và giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn sau của đại dịch Covid-19. Theo dự báo của Việt Nam Digital Marketing Report, doanh thu quảng cáo tại Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 1,4 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với năm 2021.
Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách và phát triển doanh thu quảng cáo, các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã có nhiều biện pháp đa dạng nguồn thu, từ thu phí đọc báo điện tử, tổ chức sự kiện, thương mại điện tử, cho đến môi giới dữ liệu, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, đầu tư lĩnh vực giáo dục... Nguồn thu của các cơ quan báo chí trên thế giới có thể chia làm 3 nhóm chính: Nguồn thu từ khách hàng quảng cáo, truyền thông chính sách hoặc thương hiệu; Nguồn thu từ độc giả thông qua thu phí trên báo điện tử; Nguồn thu từ hoạt động liên kết, hợp tác để tạo những giá trị mới như tổ chức sự kiện, môi giới dữ liệu, thương mại điện tử, khai thác nội dung đã xuất bản...
Tại Việt Nam, các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn trên nền tảng số đều có nội dung chất lượng, có tính sáng tạo cao và lượng độc giả lớn. Thành công về nội dung báo chí thường đến trước và tạo tiền đề cho thành công trong kinh doanh báo chí. Do đó, các tòa soạn ưu tiên chiến lược phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của tập độc giả trung thành, song hành với chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng tiềm năng.
NHÀ BÁO MAI VŨ TUẤN - GIÁM ĐỐC, TỔNG BIÊN TẬP TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG TỈNH QUẢNG NINH:
Đa dạng hóa nguồn thu của cơ quan báo chí địa phương
Đa dạng hóa nguồn thu là yêu cầu tiên quyết cho sự phát triển bền vững của các cơ quan báo chí hiện nay. Để đảm bảo cho các cơ quan báo chí hoạt động ổn định, phát triển, thực hiện tốt sứ mệnh báo chí cách mạng của Đảng, cần có sự quan tâm hơn nữa về mặt cơ chế tài chính cho các cơ quan báo chí thông qua việc Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng không áp dụng chung cơ chế tài chính của cơ quan báo chí như là đơn vị sự nghiệp công lập, mà cần có chính sách riêng. Ngoài ra, cần nghiên cứu, xem xét việc quy định chính sách thuế đối với báo chí hiện vẫn áp dụng theo mô hình đơn vị sự nghiệp, thực hiện việc thông tin, tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị, nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao (thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động báo in là 10%; đối với hoạt động báo nói, báo hình, báo điện tử là 20%).
Từ thực tiễn trên, tôi đề nghị Bộ TT&TT bên cạnh việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch của Chính phủ, cần tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về đơn vị sự nghiệp báo chí, quy định trách nhiệm của các cơ quan chủ quản báo chí. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các nghị định của chính phủ một cách khoa học, phù hợp thực tiễn hoạt động báo chí của Việt Nam, nhất là Nghị định số 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ nhuận bút, làm cơ sở để các cơ quan chủ quản báo chí đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí.
Các cơ quan chủ quản báo chí phải tăng cường quản lý cơ quan báo chí do mình thành lập, theo đó phải quản lý tôn chỉ mục đích tờ báo mình quản lý và xác định được nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của mình bên cạnh việc giao thực hiện xã hội hóa nguồn lực để tăng cường tiềm lực tài chính cho cơ quan báo chí.
Về phía các cơ quan báo chí, cũng cần chủ động, nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu, mở rộng thị trường, phương thức quảng cáo, dịch vụ trên các loại hình báo chí. Đổi mới công tác quản lý hoạt động quảng cáo, dịch vụ, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác khai thác quảng cáo, dịch vụ. Tăng cường công tác kiểm soát chi bảo đảm chi đúng, chi đủ theo chế độ hiện hành; tinh gọn bộ máy, tăng cường tiết kiệm chi phí…
NHÀ BÁO PHẠM THỊ THANH HUYỀN, TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN:
Báo chí thực hiện tôn chỉ, mục đích hiệu quả thì sẽ đạt “hiệu quả kép”
Tờ báo không phải doanh nghiệp sinh ra để kinh doanh, lấy lợi nhuận kinh tế làm thước đo tồn tại và phát triển. Trước hết, tờ báo phải làm nội dung tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo vị thế vững vàng, tạo nền tảng tốt trong dòng chảy thông tin báo chí cách mạng... sau đó mới có thể triển khai nhiệm vụ kinh tế báo chí. Tờ báo không sinh ra để kinh doanh, trong khi nhiệm vụ chính trị, tôn chỉ, mục đích thì lại xem nhẹ và mánh lới, “lạng lách” theo các nội dung kinh tế quyết định; “khoán doanh thu” hay xem “doanh thu và lợi nhuận” là tiêu chí tồn tại và đánh giá vị thế, chất lượng tờ báo như kiểu đánh giá doanh nghiệp.
Do đó, những vấn đề quan trọng từ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tôn chỉ, mục đích chính là cơ sở lý giải cho các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các hình thức thông tin tuyên truyền theo đặt hàng từ ngân sách nhà nước và từ nguồn lực xã hội, nguồn lực công và tư. Sự đầu tư đúng và trúng nhiệm vụ, vị thế, uy tín, sức sống lan tỏa của tờ báo một mặt làm nên hiệu quả thông tin sâu sắc hơn, mặt khác tờ báo sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng, nhiều nguồn lực từ xã hội hơn.
Đơn đặt hàng cũng là một kênh phát triển kinh tế báo chí trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ kép và sẽ mang lại “hiệu quả kép” vừa có đầu tư, nguồn lực cho tòa soạn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; vừa góp phần nâng cao nhận thức thực thi pháp luật, chấp hành pháp luật, sáng kiến pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân… Đây chính là phương thức kinh tế báo chí xuyên suốt trong việc thực hiện tôn chỉ, mục đích góp phần vừa sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông vừa mang lại hiệu quả chính trị, kinh tế và xã hội… Càng thực hiện tôn chỉ, mục đích một cách đúng hướng và hiệu quả thì kinh tế báo chí, dù không cầu, cũng càng tự đến.
NHÀ BÁO LÊ XUÂN TRUNG, PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO TUỔI TRẺ
Cần nghiêm túc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí
Trong bối cảnh khó khăn chung của báo chí hiện nay về nguồn thu quảng cáo, Chính phủ nên hỗ trợ báo chí bằng cách giảm tối đa các loại thuế để báo chí có nguồn lực đầu tư phát triển nội dung và chăm sóc bạn đọc thành viên. Sau này, nguồn thu từ bạn đọc tăng lên, báo chí có lợi nhuận như thời hoàng kim của báo giấy sẽ đóng thuế trở lại bình thường để bảo đảm công bằng xã hội. Và, để việc thu phí khả thi, lâu dài, những chính sách về bảo vệ bản quyền cần được thực hiện đến nơi đến chốn. Các cơ quan báo đài có thể dồn sức thực hiện các sản phẩm báo chí chất lượng cao, tiêu tốn nhiều công sức và chi phí đầu tư mà không lo bị sao chép, nhân bản tràn lan trên không gian mạng. Nếu việc thu phí thành công cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời của các bộ ngành, báo chí Việt Nam sẽ bước vào một thời kỳ phát triển mới.
TRỌNG LỢI (Ghi)