Xa quê..
Tạp bút của TRẦN VĂN THIÊN
Những chuyến rời quê dần dần không còn là niềm háo hức như hồi mới được đi học xa, được chắp thêm đôi cánh rộng, để ta có thể thỏa sức tung bay ở những chân trời mới nữa. Ta khựng lại sau một lần thấy giọt nước mắt khéo giấu từ khóe mắt thẳm sâu nỗi nhớ thương của mẹ. Cũng xê xế đó là ánh nhìn khắc khoải vết thời gian của cha.
Hành lý không quá nặng mà sao tay chân cứ vướng víu, không nỡ buông đôi bàn tay sần chai rám nắng của mẹ, không nỡ bước khỏi mảnh sân gạch phủ đầy lá mận, lá xoài khô. Mảnh vườn trước nhà luống rau muống mẹ trồng vừa mới lên xanh non, đám khổ qua mà cha đã nhọc nhằn vót tre, dựng giàn rồi cặm cụi gieo hạt còn thưa thớt những cánh hoa vàng. Tiếng gió hú xuyên lộng qua mặt đầm, luồn hun hút thân đê, thốc thẳng vào ta. Dường như thấu được lòng con, cha ta vỗ vỗ lên vai nói nhỏ, con đi đi, ráng học tốt để làm một thầy thuốc tử tế…
Tranh của họa sĩ NGUYỄN TẤN VĨ
Ai đó đã nói rằng: “Ngày xưa hệt như một cái ngoái cổ”. Quay đầu lại, tháng năm thoáng chốc đã vun đầy bởi những kỷ niệm len kín trong từng ô nhớ. Đi qua những chặng đường dài và rộng của cuộc đời, từng khoảng thời gian bỏ lại sau lưng cũng theo bước chân ta mà cũ dần, rồi tự lúc nào trở thành ngày xưa. Xa lắm, nhìn đến đâu cũng chỉ thấy bàng bạc khung trời của hoài niệm, để đôi lúc lòng chợt ngỡ ngàng khi tình cờ gặp lại một loài hoa cũ, một bài hát cũ, hay một dáng hình tự thuở xưa. Những thứ quá đỗi thân thuộc, gắn bó với ta suốt một thời mơ mộng, dường như chẳng sứt mẻ đổi thay, chỉ có bản thân ta là thay đổi theo năm tháng. Chợt giật mình vì lẽ hơn 5 năm trời ròng rã túi bụi với những giờ lên giảng đường, những đêm trực ở bệnh viện, bươn chải với dòng đời cứ ngỡ mọi thứ đã thoảng qua, trôi vào những giấc mơ... hóa ra không phải vậy.
Nhớ ngày đầu tiên rời quê lên phố, trước lúc đi xa tranh thủ ghé nhà ngoại, cửa vẫn mở nhưng không thấy ngoại đâu. Rưng rưng thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, rồi ngồi trước thềm nhà chờ ngoại về, nhìn bóng nắng liêu xiêu rọi qua vách thưa mà lòng buồn man mác. Thời gian đâu chờ đợi ai bao giờ, cả đời lò mọ lo cho con cháu, bóng hoàng hôn tự lúc nào đã ở sau lưng ngoại. Còn ít phút nữa là phải đi mà vẫn chưa thấy ngoại về, bỗng luống cuống tìm giấy bút ghi lại vài lời nhắn gửi để lòng được an tâm. Chợt bẽ bàng nhận ra tháng năm đã làm mắt ngoại mờ, thôi thì tự an ủi rằng sẽ có ai đó đọc giúp ngoại. Mảnh giấy ghi “Dạo này mưa rả rích, ngoại ở nhà giữ gìn sức khỏe, trời lạnh ngoại nhớ cời than để dưới gầm giường cho ấm”. Giờ không dưng sống mũi lại cay xè vì nhớ...
Không ai biết trước được ngày mai, nên đành giấu thật kỹ nỗi nhớ trong tim với hàng loạt những “giá như” bỗng hiện lên lấp đầy tâm trí. Giá như thời gian trôi chậm lại, để thêm một giây phút ta được sống trọn với cảm giác được chở che yên bình nơi quê nhà yêu dấu. Giá như con đường ta đã chọn không lắm chông gai, giá lòng mình đừng quá đa cảm, để lòng thôi ngậm ngùi trước lúc chia xa. Và giá như thời gian đừng âm thầm phủ màu sương lên mái tóc cha, đừng vô tình để lại những vết đồi mồi nắng mưa chai sạn trên đôi tay gầy của mẹ...Thì có lẽ bước chân ta sẽ nhẹ đi phần nào... Nhưng cha ta lại nói, vẫn với chất giọng thô - ấm - mộc - quê kiểng, không sao đâu con, làm thầy thuốc cái tình quý lắm. Biết nhớ biết thương là tốt chứ!
Ai rồi cũng sẽ lớn lên và rời xa vòng tay ấm áp của những người thân yêu. Để rồi phải cõng trên lưng bao nỗi bộn bề của cuộc sống, trên từng nấc thang đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. “Ráng học tốt để làm một thầy thuốc tử tế…”, hình như người cha nào cũng gởi gắm vào con trai của mình những lời chắt lọc ấy - học và sống sao cho tử tế. Thành ra lòng luôn tự dặn lòng mình luôn trân quý khoảng thời gian ngắn ngủi bên gia đình mỗi dịp đoàn tụ.