Phát triển du lịch khu Ðông Tuy Phước: Cần có một “cú hích”
Với mật độ di sản rất cao, lại ở cạnh đầm Thị Nại, khu vực các xã khu Đông huyện Tuy Phước (Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa) chứa đựng tiềm năng lớn để phát triển du lịch.
Hình thành từ một quá trình lịch sử lâu dài, có tính đặc thù, di sản văn hóa - lịch sử ở khu Đông Tuy Phước khá đa dạng về loại hình. Tiểu chủng viện Làng Sông ở xã Phước Thuận là nơi đặt nhà in Làng Sông, một trong ba nhà in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Kiến trúc Gothic và cảnh đẹp nơi đây đã thu hút nhiều khách du lịch. Ở Phước Sơn có mộ và từ đường Nguyễn Diêu đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, hằng năm huyện Tuy Phước tổ chức tưởng niệm, tôn vinh nhà soạn tuồng nổi tiếng này. Còn xã Phước Hòa sở hữu nhiều di sản rất nổi tiếng: Tháp Chăm Bình Lâm, một trong những tháp đẹp nhất của phong cách đền tháp Bình Định có tuổi đời đã nghìn năm, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1993; Nhà lưu niệm Xuân Diệu, nơi lưu giữ những hình ảnh và tưởng niệm nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ Mới; là nơi diễn ra Hội đua thuyền truyền thống trên sông Gò Bồi vào mùng 2 Tết hằng năm. Ngoài ra, những địa danh nổi tiếng khác như làng hoa Bình Lâm, đặc sản bánh xèo Mỹ Cang, ẩm thực đặc sản biển đầm Vinh Quang và đặc biệt là khu sinh thái Cồn Chim đều có thể đưa vào danh sách những điểm đến hấp dẫn du khách. Sự đa dạng của di sản văn hóa - lịch sử như thế là vốn quý và thuận lợi cho phát triển du lịch.
Du khách tham quan phòng trưng bày hiện vật từ nhà in sách Quốc ngữ tại Tiểu chủng viện Làng Sông. Ảnh: N.H.S
Hiện nay, giao thông ở Tuy Phước nói riêng và Bình Định nói chung đã phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết giữa các điểm di tích và điểm đến ở khu Đông cũng như kết nối với các di tích nổi tiếng khác rất gần ở Tuy Phước như Mộ danh nhân văn hóa Đào Tấn, một di tích lịch sử cấp quốc gia, chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang), nơi mà Lễ hội chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và Nhà thờ Nước Mặn, nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, nơi có nhiều du khách quốc tế đến thăm viếng, nghiên cứu, là di tích lịch sử cấp tỉnh và hiện nay đang được xúc tiến xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc phát triển du lịch khu Đông Tuy Phước đang có cơ hội tốt là lượng du khách đến với TP Quy Nhơn rất lớn và Tuy Phước rất gần Quy Nhơn, vì thế huyện Tuy Phước nên sớm có giải pháp tổng thể, trong đó việc quảng bá, giới thiệu rộng rãi các điểm đến, xác định nhu cầu thưởng ngoạn, thụ hưởng của du khách, cùng với đó cần có động thái tạo đà để hấp dẫn, thu hút các DN lữ hành đưa khách về đây.
Hiện nay lượng khách du lịch đến huyện Tuy Phước nói chung cũng như khu Đông Tuy Phước nói riêng chưa nhiều, chưa hình thành tua tuyến bài bản, nhưng nếu chịu đầu tư thu hút ở giai đoạn đầu mọi thứ sẽ khác. Phát triển du lịch khu Đông Tuy Phước một mặt phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân sở tại, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đồng thời còn góp phần tích cực đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa phương.
NGÔ HỒNG SƠN