BÁC SĨ CKI, PHÓ GIÁM ÐỐC TTYT HUYỆN VĨNH THẠNH NGUYỄN THỊ CƯỜNG:
Từ chữ duyên, chữ tâm đến chữ thương
Năm 2007, khi mới tốt nghiệp đại học, bác sĩ Nguyễn Thị Cường quyết định xin việc, công tác tại TTYT một huyện miền núi trong tỉnh - Vĩnh Thạnh. Không quá khó để xin việc tại quê nhà - TX Hoài Nhơn nên bác sĩ Cường cho rằng đó là duyên. Từ cái duyên ban đầu, dần dần trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, càng ngày chị càng thêm hiểu và thêm thương, gắn bó với người dân nơi đây.
TỪ DUYÊN ĐẾN DUYÊN
* Thưa chị, có phải như nhiều phụ nữ khác, vì “theo chồng về dinh” mà chị quyết định công tác ở Vĩnh Thạnh?
- Có lẽ là bắt đầu từ chữ duyên, có duyên với Vĩnh Thạnh. Từ ngày còn sinh viên, tôi có duyên đôi lứa với một người con của đất Vĩnh Thạnh, giờ là chồng mình. Nhưng để gắn bó với nơi này không phải chỉ có vậy. Ngày đầu đến đây, nói háo hức làm ngay thì không hẳn đúng bởi khi đó ra trường thực tập tại Bệnh viện Trung ương Huế với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, cuộc đời màu hồng lắm. Nơi đây thì thiếu thốn nên có chút chênh vênh. Nhưng càng gắn bó, mới thấy anh em đồng nghiệp ở đây rất tình cảm, đoàn kết, giúp đỡ nhau; người dân ở đây thì chân chất, thật thà; càng tiếp xúc với đồng nghiệp và bà con nơi đây, tôi lại thấy thêm yêu nghề, yêu mảnh đất này. Đây là điều giúp không chỉ tôi mà còn nhiều anh chị em đồng nghiệp khác gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Cường, Phó Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: T. KHUY
* Ai cũng có một lý do để theo ngành y, với chị là điều gì?
- Điều này với tôi là một sự tình cờ. Khi tôi học cấp 2, lúc đó tôi còn chưa phân biệt được điều dưỡng với bác sĩ, chỉ cần mặc áo blouse trắng thì mặc nhiên gọi là bác sĩ thôi. Khi đó, người nhà phải nằm viện, tôi vào chăm. Thấy rõ các bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc tận tình người nhà mình và những bệnh nhân khác; có những lúc tôi còn chứng kiến những ca cấp cứu. Giữa bờ vực sinh tử mà qua cấp cứu, điều trị thì bệnh nhân dần phục hồi. Với tôi khi ấy, đó là một điều thật sự thiêng liêng và hình ảnh đó gieo trong tôi ước mơ làm bác sĩ.
* Có lý do đặc biệt nào để chị theo học chuyên khoa Nhi?
- Thời gian đầu ra trường và công tác, tôi chưa xác định sẽ theo khoa Nhi mà cứ cố gắng giúp được ai thì cứ giúp thôi. Nhưng một hôm tôi trực có một ca bệnh khiến tôi vừa giận mà thương nhiều hơn. Một gia đình ở xã Vĩnh Sơn đưa cháu bé tầm 5 - 6 tuổi vào viện với tình trạng chân sưng vù, đau nhức không đi đứng được, sốt cao. Điều đáng nói là ban đầu khởi phát, cháu chỉ bị 1 vết như mụn nhọt ở mu bàn chân thôi nhưng người nhà không đưa đi viện sớm mà chỉ cúng bái dẫn tới mức rất nặng, có nguy cơ nhiễm trùng máu. Sau khi cứu chữa đã ổn định, hỏi thăm người nhà thì được biết phong tục trên đó là như vậy. Tuy giận nhưng không thể trách được vì đó đã là một sự thiệt thòi rất lớn của họ. Sau khi giải thích, người nhà bảo “cảm ơn bác sĩ, qua bác sĩ nói và qua chữa bệnh con tôi thì tôi cũng đã hiểu rồi, để tôi về nói dân làng có gì đi bác sĩ cho kịp thời”.
Đó chỉ là một điển hình, có lẽ hầu hết trẻ em nơi đây đều thiếu thốn, thiệt thòi như vậy. Tôi tâm niệm phải cố gắng làm được cái gì đó cho trẻ em nơi đây. Vì sức khỏe là nền tảng mà tỷ lệ suy dinh dưỡng, đau yếu bệnh tật nhiều thì trẻ rất thiệt thòi, ảnh hưởng học hành của các em. Mình chăm sóc tốt thì các em học hành cũng sẽ tốt hơn, phát triển lên, bay xa hơn.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Cường trò chuyện cùng người nhà của trẻ để nắm bắt diễn biến bệnh trạng của bé. Ảnh: T. KHUY
SỰ TIN YÊU CỦA NGƯỜI DÂN LÀ HẠNH PHÚC LỚN LAO
* Với vai trò là lãnh đạo và là một cán bộ y tế thì chị trăn trở, cũng như mong muốn gì nhất đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại địa phương mình.
- Điều khiến tôi trăn trở nhất là cuộc sống người dân nơi đây còn khó khăn, thiếu thốn, nhận thức của họ về công tác phòng chống dịch bệnh còn nhiều hạn chế, chưa được như mình mong đợi. Các đồng nghiệp cũng như bản thân tôi cố gắng từng bước một, từng bước thay đổi nhận thức bà con nơi đây để tạo cho họ ý thức quan tâm sức khỏe hơn. Có nhiều trường hợp mình thấy rất thương, bệnh nhân mắc bệnh nặng, bác sĩ khuyên chuyển lên tuyến trên để được chăm sóc tốt hơn nhưng họ không thể thực hiện được vì không có tiền. Cuối cùng thì anh em đội ngũ y, bác sĩ góp tiền, xin của các hội từ thiện để hỗ trợ, giúp họ đến cơ sở điều trị tốt hơn.
Do vậy, về phía cán bộ y tế, tôi mong muốn anh em ngày càng nâng cao chuyên môn để phục vụ người dân địa phương tốt hơn. Đối với người dân, tôi mong muốn họ có cuộc sống khá hơn, quan tâm sức khỏe nhiều hơn để tiến dần với đồng bằng, miền xuôi. Ít nhất về công tác chăm sóc sức khỏe, khi nghĩ đến Vĩnh Thạnh, người ta không nghĩ đây là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn nữa.
* Thưa chị, trong ngần ấy thời gian công tác, điều làm chị hạnh phúc nhất là gì?
- Tất nhiên, dù là làm công tác chuyên môn hay lãnh đạo, ở vị trí nào cũng vậy được đồng nghiệp giúp đỡ, tin tưởng, ghi nhận là điều rất hạnh phúc. Và đối với một huyện miền núi, ý thức người dân về việc chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn là điều không chỉ tôi mà các đồng nghiệp khác cũng thấy rất phấn khởi. Đặc biệt là tình cảm của người dân nơi đây dành cho đội ngũ y, bác sĩ, trong đó có tôi, rất đằm thắm. Mình có thể cảm nhận điều đó rất rõ khi giao tiếp với bà con, nói đến cán bộ y tế thì người dân nơi đây sẽ bày tỏ với cả tấm lòng yêu thương, điều này khiến chúng tôi càng phải cố gắng hơn. Nhiều khi mình đi ngoài đường, các cháu gọi “Mẹ ơi, bác Cường kìa, con chào bác Cường”, chỉ bấy nhiêu thôi là đã hạnh phúc lắm. Cuộc sống xô bồ mà mình vẫn được ghi nhớ như thế, quý lắm!
* Nhiều đồng nghiệp nhận xét rằng “bác Cường” người cũng như tên - giàu năng lượng tích cực, mạnh mẽ và quyết đoán…
- Có lẽ là vì đồng nghiệp yêu thương tôi quá nên nói vậy, chứ tôi nghĩ mình còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhưng dù sao đó cũng là nguồn động viên tiếp thêm sức mạnh để tôi phấn đấu tiếp. Tôi tâm niệm rằng, làm việc gì cũng bắt đầu từ cái tâm, luôn giữ cho mình một cái “tâm sáng” thì làm việc gì cũng thành công.
Hơn nữa, ngoài sự cố gắng của bản thân, tôi còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các ban, ngành, địa phương, của huyện... Cùng với đó, gia đình chính là hậu phương vững chắc. Nếu không có những điều đó, phụ nữ khó mà cân bằng được cả hai bên.
* Chị hiện là Phó Giám đốc phụ trách công tác y tế dự phòng của TTYT huyện, điều này có những khác biệt nào so với công tác điều trị, thưa chị?
- Công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của công tác y tế dự phòng tuyến huyện, vì thế bản thân tôi đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh thường xuyên.
Công tác tại cơ sở y tế tuyến huyện, đặc biệt là công tác y tế dự phòng thì phải sâu sát, gần gũi với cơ sở. Chúng tôi phải dành thời gian đi đến tận nơi mới hiểu được công việc anh em, khó khăn ra sao, vướng mắc thế nào để cùng nhau tháo gỡ. Như sốt xuất huyết thì chúng tôi cùng nhau đi đến các ổ dịch, tham gia công tác phòng chống dịch. Đi cơ sở như vậy mình mới có hướng để mà xử lý, hỗ trợ được tốt hơn.
* Xin cảm ơn chị
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Cường, sinh năm 1983, quê ở TX Hoài Nhơn, hiện đang sống tại huyện Vĩnh Thạnh.
Năm 2007, chị bắt đầu công tác tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh; năm 2011 - 2013 chị học bác sĩ CKI; năm 2020 - 2022, chị học bác sĩ CKII và đang chờ nhận bằng.
Năm 2007 - 2015, chị là bác sĩ điều trị; từ ngày 3.7.2014 - 17.6.2015 chị đảm nhận vị trí Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - TTYT huyện Vĩnh Thạnh; từ ngày 17.6.2015 đến nay, chị đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh.
THẢO KHUY (Thực hiện)