G20 bất đồng về chiến sự Ukraine
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 không thể ra tuyên bố chung vì bất đồng về thông điệp lên án chiến dịch của Nga tại Ukraine.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng các nước G20 tại thành phố Bengaluru của Ấn Độ hôm 25.2 khép lại hai ngày họp mà không đạt được tuyên bố chung. Thay vào đó, Ấn Độ công bố "tài liệu tổng kết kết quả của nước chủ tịch", cho biết "hầu hết thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine, nhấn mạnh rằng nó đang gây ra đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu".
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitaraman (giữa) trả lời họp báo sau khi kết thúc kỳ họp giữa các nước G20 tại Bengaluru vào ngày 25.2. Ảnh: AFP.
Tài liệu tổng kết cho biết có hai nội dung về chiến sự tại Ukraine "được chấp thuận bởi hầu hết các nước, trừ Nga và Trung Quốc". Phần nội dung này "lên án ở mức cao nhất" những hoạt động của Nga tại Ukraine, yêu cầu Nga "rút quân lập tức và vô điều kiện" khỏi Ukraine.
"Có những quan điểm khác và đánh giá khác về tình hình và các lệnh trừng phạt", tài liệu có đoạn, đề cập đến các biện pháp do Mỹ, châu Âu và các nước khác đưa ra để trừng phạt Nga và cắt giảm doanh thu của nước này.
Hai đại biểu nói với Reuters rằng Moskva và Bắc Kinh không muốn diễn đàn G20 được sử dụng để thảo luận các vấn đề chính trị. Kết quả này tương tự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11 năm ngoái khi nước chủ nhà Indonesia cũng ra tài liệu thừa nhận những khác biệt.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói Trung Quốc ngăn G20 ra tuyên bố chung lên án Nga và cho rằng đây là diễn biến "đáng tiếc" ở hội nghị lần này. Tuy nhiên, ông đánh giá cao thực tế hầu hết các nước tham gia "đều thể hiện rõ lập trường tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương và kêu gọi chấm dứt chiến sự".
Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino trước đó cho biết một số quốc gia trong kỳ họp lần này có cách tiếp cận "thiếu tính xây dựng", khiến nỗ lực soạn thảo tuyên bố chung gặp khó khăn.
Bộ Ngoại giao Nga sau đó ra tuyên bố "lấy làm tiếc khi các hoạt động của G20 bị phương Tây gây bất ổn và sử dụng theo hướng bài Nga". Cơ quan này cáo buộc Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước G7 "đã làm gián đoạn việc thông qua những quyết định tập thể" bằng cách áp đặt "sự độc đoán" của họ.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, phương Tây muốn áp đặt cách diễn giải của họ về xung đột ở Ukraine trong tuyên bố chung thông qua vận động hành lang và "các tối hậu thư". Nga kêu gọi phương Tây "từ bỏ chính sách phá hoại càng sớm càng tốt, thừa nhận các thực tại khách quan trong một thế giới đa cực".
"G20 cần phải là một diễn đàn kinh tế thay vì lấn sang an ninh", cơ quan này bổ sung.
Trung Quốc chưa lên tiếng về các thông tin trên.
Trung Quốc trong một năm qua chủ trương tuyên bố trung lập đối với vấn đề Ukraine và không can dự vào chính sách của Nga, bất chấp kêu gọi từ phương Tây rằng Bắc Kinh cần gây áp lực lên Moskva để chiến sự sớm kết thúc.
Chính phủ Trung Quốc ngày 24.2 công bố tài liệu 12 điểm về tìm kiếm giải pháp chính trị cho xung đột Nga - Ukraine, nhưng nhấn mạnh kêu gọi các bên phải hỗ trợ cả Moskva và Kiev nối lại đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt.
Theo tài liệu, Trung Quốc phản đối hành động sử dụng lẫn đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Lập trường của Trung Quốc cũng nhấn mạnh phương diện bảo vệ người dân vô tội, đồng thời phản đối các lệnh cấm vận đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua.
Nga hoan nghênh đề xuất giải quyết xung đột với Ukraine mà Trung Quốc đưa ra. Moskva khẳng định sẵn sàng dùng biện pháp chính trị và ngoại giao để đạt mục tiêu ban đầu trong chiến dịch. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự định gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận chi tiết kế hoạch hòa bình.
Mỹ cùng đồng minh hoài nghi kịch bản Trung Quốc trở thành trung gian đàm phán vì lo ngại quan hệ gần gũi giữa Bắc Kinh và Moskva, trong khi một số lãnh đạo châu Âu lo ngại lập trường của Trung Quốc chưa thể hiện đủ mức trung lập.
(Theo Thanh Danh - Như Tâm/VnE/Theo TASS, AFP, Reuters)