Tây Sơn, An Nhơn: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Đông Xuân
Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi nên từ đầu vụ đến nay, diện tích lúa và cây trồng cạn trên địa bàn huyện Tây Sơn, TX An Nhơn phát triển khá tốt. Hiện, người dân ở hai địa phương này đang tích cực chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, sâu hại, bảo đảm sản xuất vụ Đông Xuân thắng lợi.
Tây Sơn: Nắm chắc diễn biến thời tiết bất thường để ứng phó
Vụ Đông Xuân năm nay, toàn huyện Tây Sơn gieo sạ hơn 5.238 ha lúa, trên 3.322 ha cây trồng cạn các loại. Hiện tại, cây lúa đã được hơn một tháng, phần lớn diện tích phát triển khá tốt, chỉ một số ít xuất hiện sâu cuốn lá, chuột cắn phá gây hại cục bộ.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTXNN xã Tây Bình, cho biết: Vụ Đông Xuân năm nay, toàn HTX đưa vào sản xuất hơn 267 ha lúa, hiện nay cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, sinh trưởng, phát triển khá tốt. Tuy nhiên, qua theo dõi, rải rác xuất hiện sâu cuốn lá và nạn chuột cắn phá. HTX tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân nhận biết sớm từng đối tượng sâu bệnh và biện pháp phòng trừ, chủ động nguồn thuốc bảo vệ thực vật phòng khi có dịch xảy ra, tránh tình trạng chủ quan, để sâu bệnh lây lan trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất.
Lãnh đạo huyện Tây Sơn kiểm tra lúa tại cánh đồng xã Tây An. Ảnh: VĂN PHONG
Đối với cây đậu phụng, trong vụ này toàn huyện gieo trồng 1.699 ha, địa phương có diện tích trồng nhiều nhất là xã Bình Thuận với gần 800 ha. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho hay: Cây đậu phụng trà đầu xuống giống trồng hơn một tháng nay, đang ra hoa, sinh trưởng và phát triển tốt… Tuy nhiên, rải rác có hiện tượng cây chết héo do nấm và các nguyên nhân khác. Các loại rau màu, cây trồng cạn còn lại cũng đang sinh trưởng và phát triển tốt, bà con đang chăm sóc, theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại.
Đi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp tại nhiều cánh đồng trong huyện, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương và người dân trong việc tập trung sản xuất nông nghiệp, đồng thời lưu ý trước diễn biến thời tiết bất thường, yêu cầu các ngành, địa phương, các HTX và người dân tập trung theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng; thường xuyên thăm đồng nhằm kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh, nạn ốc bươu vàng và chuột phá hoại lúa, tránh lây lan trên diện rộng.
An Nhơn: Thường xuyên thăm đồng, hỗ trợ kịp thời
Vụ Đông Xuân năm nay, TX An Nhơn gieo sạ hơn 6.000 ha lúa, hiện lúa đang vào giai đoạn cuối đẻ nhánh, đòng trổ, chắc xanh. Các ngành chức năng và bà con nông dân trên địa bàn thị xã đang tập trung chăm sóc lúa, chủ động phòng trừ dịch bệnh gây hại để đảm bảo năng suất, phấn đấu đạt năng suất 71 tạ/ha.
Nhiều tuần qua, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) thị xã phối hợp với ban nông nghiệp các xã, phường thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Nhờ đó đã kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại lúa và hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ hữu hiệu. Qua kiểm tra thực tế, ở một số địa phương đã ghi nhận xuất hiện bệnh đạo ôn, bạc lá ở mức thấp, trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, do thời tiết có nhiều biến động bất thường, tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loại nấm, bệnh phát sinh gây hại.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm DVNN TX An Nhơn hướng dẫn bà con nông dân cách nhận biết và biện pháp phòng trừ một số loại dịch bệnh gây hại trên lúa Đông Xuân. Ảnh: LÊ NGÂN
Bà Ngô Thị Tuyết Mai, cán bộ kỹ thuật Trung tâm DVNN TX An Nhơn, cho biết: Vụ Đông Xuân là vụ sản xuất chính, để giúp nông dân chăm sóc lúa được tốt hơn, thị xã đã thành lập tổ công tác tiến hành thăm, kiểm tra tình hình thực tế đồng ruộng, thường xuyên nắm chắc diễn biến phát triển của cây lúa, cũng như dự báo tình hình sâu bệnh hại nhằm giúp bà con nông dân phòng ngừa, khắc phục chính xác, kịp thời.
Thường xuyên ra thăm đồng, giữ mực nước trong ruộng và thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên cây lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời, ông Triệu Khắc Phong, nông dân ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, cho biết thêm: Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình tôi sản xuất 5 sào lúa. Khác với mọi năm, năm nay cán bộ kỹ thuật của Trung tâm DVNN thị xã thường xuyên về hướng dẫn, hỗ trợ nên gia đình tôi rất yên tâm. Thực tế cho thấy cách làm này đạt hiệu quả cao vì lúa phát triển tốt hơn mọi năm, trong khi thời tiết lại bất thường hơn.
VĂN PHONG - LÊ NGÂN