Không chủ quan với dịch bệnh truyền nhiễm
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023. Theo đó, bên cạnh Covid-19, các bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng... là những loại dịch bệnh cần chú ý tập trung phòng, chống.
Vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ
Theo Kế hoạch, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên miễn dịch do tiêm vắc xin phòng Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian, cùng với sự biến đổi liên tục của các biến thể, dự báo dịch bệnh Covid-19 vẫn sẽ khó lường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại. Cùng với đó, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng là bệnh dịch lưu hành trên địa bàn tỉnh, với sự tác động của biến đổi khí hậu, tính chu kỳ của dịch bệnh, ý thức phòng, chống dịch bệnh của cộng đồng còn hạn chế… là nguy cơ khiến dịch bệnh có thể bùng phát.
Hiện bệnh sốt rét đã giảm mạnh và tỉnh ta đang hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2024. Tuy nhiên, ngành y tế cũng khuyến cáo số ca mắc sốt rét ở các tỉnh lân cận vẫn còn cao; trình độ dân trí và điều kiện KT-XH thấp tại các vùng núi, các phong tục tập quán canh tác làm nương rẫy và ngủ qua đêm trên nương rẫy, trong rừng, dân di cư tự do vào vùng sốt rét… là những yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh sốt rét trở lại.
Để đảm bảo công tác y tế dự phòng được triển khai tốt, thường xuyên, theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, ngành y tế đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động y tế dự phòng và ban hành trong tháng 2.2023. Các hoạt động về dân số, y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, phòng chống HIV..., tất cả các địa phương cũng đều đồng loạt lập kế hoạch, triển khai ngay từ đầu năm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn người dân xử lý các vật dụng có chứa nước để phòng sốt xuất huyết. Ảnh: NHẤT TÂM
Tập trung phòng, chống sốt xuất huyết
Vì trong chu kỳ dịch từ 3 - 5 năm và thời tiết diễn biến bất thường nên số ca SXH tăng. Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 22.2, toàn tỉnh ghi nhận 560 ca mắc SXH với 14 ổ dịch. TX An Nhơn, TP Quy Nhơn, huyện Tây Sơn là những địa phương có nhiều bệnh nhân SXH.
Mục tiêu chung của Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Định là giảm 5 - 10% tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình giai đoạn 5 năm liền kề (2018 - 2022). Kiểm soát và khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển KT-XH.
Năm 2023, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu không để dịch bệnh SXH xảy ra trên diện rộng; giảm 8% tỷ lệ mắc SXH trung bình giai đoạn 5 năm liền kề (2018 - 2022), không để dịch lớn xảy ra; tỷ lệ ca lâm sàng được xét nghiệm định tuýp vi rút là 3%; duy trì hoạt động điều tra côn trùng hằng tháng tại tối thiểu 5 điểm đại diện do tỉnh quản lý.
Với 85 ca mắc và 5 ổ dịch, TX An Nhơn đang là địa phương có nhiều ca mắc SXH nhất tỉnh. Bác sĩ Lê Thế Phương, Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT TX An Nhơn, cho biết: TTYT đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống SXH, trong đó, có cử nhân viên xuống tận nơi để giám sát các ca bệnh SXH, ghi nhận, xác minh ổ dịch. Từ đó phối hợp với trạm y tế và UBND các xã, phường tổ chức diệt bọ gậy và phun hóa chất, đảm bảo 100% các ổ dịch đều được xử lý trong vòng 48 giờ.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, khuyến cáo: SXH diễn biến qua 3 giai đoạn: Sốt (kéo dài 3 - 4 ngày), nguy hiểm (cuối ngày thứ 3 - hết ngày thứ 6), phục hồi. Người lớn khi chăm sóc các bé bị mắc bệnh phải hết sức lưu ý chi tiết: Cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 4, thứ 5, thứ 6 là giai đoạn bệnh nhân thường hết sốt nhưng dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Vì thế không được chủ quan, phải theo dõi nếu thấy trẻ hết sốt nhưng vẫn lừ đừ, mệt, tiểu ít, tay chân lạnh, nguy cơ dẫn đến thoát huyết tương dẫn đến trụy mạch. Nếu bệnh nhân có tình trạng mỏi mệt, vàng da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi cầu phân đen, đó là biểu hiện của sốt huyết nặng, phải đi cấp cứu ngay.
ĐỖ THẢO