80 năm đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023): Giá trị lớn lao, sức sống bền vững
Ðó là khẳng định được đưa ra tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Ðề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ VH-TT&DL, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 27.2. Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp (300 đại biểu tham dự) kết hợp trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành (gần 3.200 đại biểu tham dự).
Dự Hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ…
Dự Hội thảo tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; cùng một số Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể.
Đề cương có ý nghĩa vô cùng to lớn
Trước Hội thảo, đã có 173 tham luận gửi đến, được Nhà xuất bản Chính trị sự thật tập hợp in thành kỷ yếu. Đây là minh chứng khẳng định vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam (sau đây gọi tắt là ĐCVH) và ý nghĩa thiết thực của Hội thảo.
Trong phiên chuyên đề của Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận hai nội dung “Giá trị lý luận và thực tiễn của ĐCVH” và “Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới”, với nhiều tham luận giá trị. Phiên thảo luận bàn tròn sôi nổi với nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu, nghệ sĩ tham gia trao đổi, đóng góp thêm nhiều ý kiến về giá trị, tiếp nối phát huy ĐCVH; đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh.
Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Bình Định. Ảnh: H.THU
Hội thảo đã thống nhất đánh giá ý nghĩa lịch sử, giá trị to lớn mang tầm thời đại và sức sống lâu dài, bền vững của ĐCVH. Trước yêu cầu của tình hình cách mạng trong nước, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ĐCVH do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng từ ngày 25 - 28.2.1943.
ĐCVH thể hiện sự kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam, khẳng định văn hóa là 1 trong 3 mặt trận (cùng với kinh tế, chính trị); người cộng sản phải hoạt động và phải làm cách mạng văn hóa. Sau khi nêu rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách cai trị của Pháp và Nhật, ĐCVH đã phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với cách mạng văn hóa, nhằm mục đích xây dựng và phát triển nền văn hóa mới.
ĐCVH đã vạch rõ nhiệm vụ trước mắt của các nhà văn hóa yêu nước Việt Nam là phải chống lại văn hóa phát xít, phong kiến lạc hậu, nô dịch, văn hóa ngu dân, phỉnh dân... Đồng thời, đề cập toàn diện và sâu sắc những vấn đề có tính chất nền tảng về nguyên tắc, phương châm, phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam XHCN.
Trên cơ sở đánh giá khoa học, toàn diện, các tham luận, ý kiến tại Hội thảo đã phân tích và chỉ rõ quá trình vận dụng, kế thừa, phát huy, phát triển các giá trị cốt lõi của ĐCVH để hoàn thiện đường lối văn hóa của Đảng trong suốt 80 năm qua, trên cơ sở kiên định, nhất quán những quan điểm nền tảng của ĐCVH qua từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng.
GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhìn nhận: Trong 80 năm qua, nhiều luận điểm của ĐCVH đã được điều chỉnh, bổ sung, làm phong phú hơn. Trong đó, luận điểm cơ bản “văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung” được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần và vươn tới sự hoàn chỉnh trong những năm gần đây.
“Có thể khẳng định rằng, quá trình tìm tòi trên gắn liền với sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa và là kết quả của sự tổng kết thực tiễn một cách khoa học, nghiêm túc, sáng tạo. Đó vừa là sự kế thừa khoa học, vừa là sự phủ định biện chứng từ ĐCVH năm 1943 đến các văn kiện tiếp theo. Song, rõ ràng là nền móng vững chắc, sự khai phá mở đường đã bắt đầu đúng đắn từ bản ĐCVH lịch sử này. Trong vị trí lịch sử của nó, ĐCVH hoàn toàn có giá trị như là một cương lĩnh đầu tiên, là chiến lược đầu tiên về văn hóa của chúng ta”, ông Dũng nói.
Tiếp tục phát huy giá trị
Trên cơ sở khẳng định những giá trị, ý nghĩa to lớn của ĐCVH, Hội thảo đã tập trung phân tích yêu cầu, nhiệm vụ, khả năng, giải pháp để tiếp tục nghiên cứu, kế thừa, phát triển các quan điểm của ĐCVH vào thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Hội đánh bài chòi dân gian tại lễ hội Chợ Gò dịp tết Quý Mão 2023. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Hội thảo khẳng định cần tiếp tục vận dụng, kế thừa những quan điểm cốt lõi của đề cương (nhất là 3 nguyên tắc cơ bản) để nghiên cứu tổng kết, làm sâu sắc hơn nữa nội hàm và mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tình hình mới. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa, tạo hành lang pháp lý để khơi thông mọi tiềm năng, nguồn lực phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
“Những bài học sâu sắc đặt ra sau 80 năm ra đời của ĐCVH cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là nguồn động lực to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi vẻ vang”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương NGUYỄN TRỌNG NGHĨA
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị thời gian tới cần tiếp tục tập trung thể chế hóa nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Đặc biệt, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả chỉ đạo rất quan trọng, sâu sắc và toàn diện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng ngày 24.11.2021.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu cần phải tập trung triển khai nghiên cứu, thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Phải tiếp tục huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, DN, toàn xã hội để đầu tư cho phát triển văn hóa.
Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, cơ quan nhà nước, đoàn thể, trọng tâm là xây dựng đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, đạo đức, tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, cần phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức; coi trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa DN, văn hóa doanh nhân...
HOÀI THU