Ông Gôn làm kinh tế giỏi
Nhắc đến các mô hình làm kinh tế giỏi tại thôn 2, xã An Hưng, huyện An Lão, hầu hết người dân tại đây đều kể đến ông Đinh Văn Gôn, sinh năm 1963, người Hre, một nông dân có thu nhập khá từ mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng.
Theo ông Gôn, thôn 2 là vùng đất ít được thiên nhiên ưu đãi. Cũng do cuộc sống khó khăn mà con cái của nhiều hộ thường bỏ học giữa chừng, cái khó bó cái khôn, vòng luẩn quẩn cứ đeo bám nhiều năm qua. Hơn 10 năm trước, được chính quyền xã và Hội Nông dân địa phương hỗ trợ vay vốn từ các nguồn vay ưu đãi và chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số để làm kinh tế, ông Gôn mạnh dạn trồng 3 ha keo lai. Quen dần với việc trồng và chăm sóc rừng lại được hỗ trợ về kỹ thuật, từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông Gôn thu về hơn 50 triệu đồng từ rừng keo. Tiền thu được ông mở rộng đầu tư theo cách “lấy ngắn, nuôi dài”, tận dụng diện tích đất đồi để trồng cau, làm chuồng trại để nuôi bò, đào ao thả cá. Cứ vậy từ khi nuôi bò mỗi năm ông bán từ 2 - 3 con bò, thu về thêm 50 triệu đồng.
Ông Đinh Văn Gôn chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: D.T.D
Ông Gôn cho biết, nhờ có nhiều nguồn thu và nguồn thu ổn định nên cuộc sống gia đình ông ngày càng tốt hơn. Ông đã xây dựng nhà mới khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, con cái ăn học đến nơi đến chốn. Theo anh Đinh Văn Gố, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hưng: Nhờ sự cần cù, chăm chỉ và chịu khó cộng với tinh thần dám nghĩ dám làm, ông Gôn đã xây dựng thành công mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Ngoài ra, ông Gôn đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo trong thôn cùng phát triển kinh tế bằng việc hỗ trợ cây trồng, giống vật nuôi; sẵn sàng cho mượn tiền và hướng dẫn phương thức canh tác, kỹ thuật chăm sóc để các hộ dân nắm bắt, làm theo ông để phát triển kinh tế.
DIỆP THỊ DIỆU