Giữ bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các địa phương trong tỉnh còn chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nông thôn mới nâng cao (NTMNC), bức tranh nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc. Riêng lĩnh vực văn hóa, cơ sở hạ tầng văn hóa được xây dựng ngày càng đồng bộ, khang trang, hiện đại. Theo Sở VH&TT, tính đến cuối năm 2022, cả tỉnh có 115 nhà văn hóa xã, 1.053 nhà văn hóa thôn; 156 xã có điểm vui chơi cho trẻ em, 568 điểm vui chơi cho trẻ em ở cấp thôn; 1.095 khu dân cư văn hóa, 387.200 gia đình văn hóa…
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn ở xã Phước Quang đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT, ngoài các tiêu chí “cứng” bắt buộc trong XDNTM, NTMNC về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6) như nhà văn hóa, khu thể thao, khu vui chơi… và tiêu chí văn hóa (tiêu chí số 16) xây dựng thôn, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa…, các địa phương trong tỉnh còn chú trọng thực hiện tiêu chí “mềm” trong bảo tồn các di tích đình, chùa, miếu, lăng… cùng các lễ hội dân gian, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Cùng với những nỗ lực phấn đấu đạt xã NTMNC trong năm nay, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) cũng chú trọng bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh là di tích Chùa Bà - Nước Mặn và di tích Nước Mặn - Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ; thành lập CLB bài chòi dân gian để bảo tồn di sản bài chòi.
Ông Đoàn Văn Điệp, Chủ tịch UBND xã Phước Quang, chia sẻ: “Tháng 8.2022, Bộ VH-TT&DL đã công nhận Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước mặn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thời gian tới, địa phương sẽ quy hoạch, mở rộng di tích Chùa Bà - Nước Mặn gắn với phát huy Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước mặn gắn phát triển du lịch”.
Xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) về đích NTMNC năm 2021, đang hướng đến phát triển du lịch gắn bảo tồn bản sắc, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, như: Kiến trúc làng chài, các di tích Lăng Ông Nam Hải vạn Hưng Lương, vạn Xương Lý; các đình, chùa, miếu, giếng cổ… cùng các lễ hội cầu ngư, thanh minh, kỳ yên…
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết: Xây dựng NTMNC ở Nhơn Lý không chỉ là đầu tư hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất cho người dân mà còn phải bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Chính vì vậy, hầu hết các lễ hội mang nét sinh hoạt văn hóa, tâm linh; các ngôi đình, chùa, miếu, lăng… ở đây đều được xã định hướng giữ gìn, nhân dân góp sức, góp của để trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng.
Xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn) cũng về đích NTMNC năm 2021. Địa phương cũng chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng biển. Ông Phạm Đình Nhanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, tâm tình: “Lăng Ông Nam Hải vạn Kim Giao ở địa phương được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2022, xã đã thành lập đội quản lý để thuyết minh cho du khách khi đến tham quan. Địa phương cũng chú trọng bảo tồn các lễ hội dân gian, như lễ hội cầu ngư, lễ thanh minh; thành lập đội bả trạo, đội bài chòi cổ dân gian vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, vừa phát huy giá trị di sản văn hóa”.
Để bộ mặt nông thôn vừa hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc, hồn cốt của làng quê, ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Cùng với việc hướng dẫn các địa phương phát huy giá trị các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch, Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng với kiểm kê các di sản văn hóa tư liệu, như các lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống… để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nông thôn gắn với nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN