Ẩn họa cháy nổ từ hàn cắt kim loại
Từ năm 2006 đến nay, tỉnh ta xảy ra gần 10 vụ cháy lớn do hàn cắt kim loại (HCKL), gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do các thợ hàn thiếu kiến thức về PCCC, các đơn vị sử dụng lao động cũng ít coi trọng về công tác này, còn ngành chức năng lại chưa lưu tâm đúng mức.
Trong tháng 7.2014 đã xảy ra một số vụ cháy nhỏ do HCKL, nhưng rất may được các chủ cơ sở và bà con xung quanh dập tắt kịp thời nên chưa gây hậu quả lớn; tuy nhiên, từ các vụ cháy này cần báo động chung cho việc thiếu cẩn trọng trong PCCC. Bởi, ở Bình Định đã từng xảy ra các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn, như: Vào lúc 11 giờ 20 phút, trưa 27.3.2014, tại quán cà phê 86 (số 18 Phan Bội Châu, phường Bình Định, thị xã An Nhơn), do bất cẩn, không che chắn, ngọn lửa bất ngờ bùng cháy khi người thợ đang hàn điện sửa biển quảng cáo, làm thiêu rụi quán, gây thiệt hại trên 100 triệu đồng.
Trước đó, vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 15.6.2011, tại gara ô tô Trường Vinh nằm trên QL 19 (khối An Hòa, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) do anh Phan Quang Vinh (42 tuổi, ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) làm chủ bị cháy, thiêu rụi 5 chiếc ô tô, gây thiệt hại hơn 3 tỉ đồng, do bất cẩn trong việc sử dụng hàn điện để sửa chữa ô tô. Hay như vụ cháy kinh hoàng tại nhà kho chứa hàng hóa phụ tùng xe máy của anh Nguyễn Ngọc Mỹ (số nhà 302 đường Lê Hồng Phong) cách đây 8 năm (23.6.2006). Ngọn lửa đã lan sang số nhà 300 Lê Hồng Phong và Khu tập thể Đài PTTH Bình Định (số 304 Lê Hồng Phong), thiêu rụi nhiều tài sản và làm hư hỏng nhà cửa, thiệt hại hơn 1,2 tỉ đồng; do việc hàn nối các mối sắt, vảy hàn đã rơi xuống khu vực nhà kho chứa hàng hóa, gây ra hỏa hoạn.
Thực tế ở tỉnh ta, từ quốc lộ đến tỉnh lộ, từ khu đô thị đến nông thôn, có khá nhiều các cửa hàng cơ khí, hàn xì hoạt động. Tập trung đông đảo nhất là trên QL 1A, đoạn từ thị trấn Đập Đá (thị xã An Nhơn) đến dốc Ông Phật, phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn). Qua khảo sát của chúng tôi, công tác PCCC tại các cơ sở HCKL này hầu như không có gì; nhiều vật dụng dễ cháy như túi nylon, ống nhựa vứt lộn xộn nơi HCKL.
Theo Thượng tá Trần Xuân Chí - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (PC 66) Công an tỉnh, thì nguy cơ cháy nổ do hàn xì hiện ở mức đáng lưu ý. Thế nhưng, thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta việc mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC cho các chủ cơ sở gò, hàn chưa được ngành chức năng coi trọng, các chủ cơ sở chưa quan tâm và đầu tư cho công tác PCCC. Hầu hết các cơ sở HCKL thường là những cơ sở vừa và nhỏ, đội ngũ lao động chủ yếu làm nghề theo kinh nghiệm, chưa được trang bị kiến thức cơ bản về PCCC, không có biện pháp phòng ngừa sự cố. Qua kiểm tra, khi xảy ra hỏa hoạn, họ không biết sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ; lúng túng, sợ hãi nên khó dập tắt đám cháy ngay lúc mới phát sinh. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có quy định nào bắt buộc đưa các cơ sở này vào quản lý về công tác PCCC. Ngoài ra, công tác quản lý của các cấp, ngành đối với đội ngũ lao động hành nghề HCKL còn lỏng lẻo...
Thượng tá Trần Xuân Chí lưu ý: Chủ cơ sở và thợ HCKL tuyệt đối không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy. Nên sử dụng các vật liệu không cháy (tấm tôn, tấm amiăng...) để che phủ bề mặt chống cháy lan hoặc di chuyển các vật dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10 m).
Khi HCKL, nhiệt độ tâm ngọn lửa lên đến 3.000°C, nhiệt độ mối hàn cũng gần 2.000°C. Quá trình HCKL thường phát sinh các hạt kim loại nóng chảy (có nhiệt độ trên 1.000°C) bắn tung tóe ra xung quanh rất dễ gây cháy nếu gặp các vật liệu dễ cháy như vải, giấy, nệm mút (nhiệt độ bắt cháy từ 250°C).
NHÃ LÂM