CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA:
Giải pháp nâng tầm giá trị di sản, văn hóa truyền thống
Chuyển đổi số được xem là giải pháp tốt để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc khai thác, quảng bá văn hóa, di sản.
Thực hiện Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 2.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 25.4.2022 thực hiện chương trình Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản. Thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc mọi nơi; trong đó có đa dạng hóa các dịch vụ bảo tàng và di tích sử dụng tài nguyên số, sản phẩm thông tin số trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Từ kế hoạch chỉ đạo của tỉnh, ngành văn hóa đã triển khai công tác chuyển đổi số trong quản lý, phát huy, quảng bá di sản thông qua đề án số hóa hệ thống tư liệu, hiện vật trưng bày, hỗ trợ du khách truy xuất thông tin trực tiếp bằng phần mềm quét mã QR. Theo ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, năm 2019, sau khi hoàn thành công trình nâng cấp, mở rộng nhà trưng bày bảo tàng, đơn vị thi công trang trí nội thất và thực hiện đề cương trưng bày là Công ty TNHH MTV Bảo tồn di sản văn hóa (TP Hà Nội) phối hợp với đơn vị tiến hành cài đặt phần mềm quét mã QR để cung cấp thông tin hiện vật, tư liệu cho khách tham quan tra cứu, tìm hiểu. Đến nay, có 258 hiện vật/1.759 hiện vật, tài liệu khoa học được trưng bày tại bảo tàng đã có mã QR; số còn lại sẽ được thực hiện trong thời gian đến.
“Bên cạnh đó, đơn vị đang tiếp nhận việc sử dụng phần mềm hệ thống thông tin quản lý hiện vật và di tích do Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) triển khai hướng dẫn trong hệ thống bảo tàng và quản lý di tích trên phạm vi cả nước. Không dừng ở sử dụng công nghệ quét mã QR bằng điện thoại thông minh truy xuất thông tin hiện vật trưng bày, Bảo tàng Quang Trung còn hướng đến mô hình hóa điện tử tư liệu, hiện vật bằng công nghệ tương tác 3D, công nghệ không gian trưng bày ảo...”, ông Tú cho biết.
Số hóa di sản văn hóa là bước tiến mới trong công tác bảo tồn di sản tại tỉnh. - Trong ảnh: Du khách tham quan Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: TRỌNG LỢI
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống. Xác định mục tiêu này, Bảo tàng tỉnh đã lên kế hoạch triển khai số hóa các bản đồ di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các bảo vật quốc gia, hồ sơ tư liệu, hiện vật đang trưng bày ở bảo tàng… Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho hay: “Kế hoạch này được đơn vị trình Sở VH&TT để báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện. Ngay khi được bố trí kinh phí, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện. Trước đó, đơn vị phối hợp cùng Sở TT&TT đã hoàn thành số hóa, triển khai quét mã QR nội dung thuyết minh tại 7 cụm tháp Chăm trên địa bàn tỉnh (Bánh Ít, Dương Long, Cánh Tiên, Bình Lâm, Phú Lốc, Thủ Thiện và Tháp Đôi); đồng thời, đang xây dựng mã QR đối với 6 hiện vật là bảo vật quốc gia hiện Bảo tàng đang lưu giữ, trưng bày”.
Tương tự, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cũng đã chú trọng đến số hóa tư liệu, trong đó có việc triển khai ghi hình lưu trữ các trích đoạn tiêu biểu, các vở diễn đạt giải tại các cuộc thi, liên hoan toàn quốc; tiến đến đưa các hồ sơ tư liệu về di sản nghệ thuật tuồng, bài chòi, đưa các tác phẩm lên không gian số, để công chúng có thêm cơ hội tiếp cận.
Theo Sở VH&TT, việc chuyển đổi số trong công tác bảo vệ, phát huy di sản bước đầu đã đạt một số kết quả. Tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nhân lực còn mỏng chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn lực đầu tư quá ít, không đảm bảo đồng bộ… Để việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa đòi hỏi cần phải có kinh phí, sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng; đặc biệt cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, vừa khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản để đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển KT-XH.
TRỌNG LỢI