Thúc đẩy khoa học, công nghệ cấp huyện phát triển
Năm 2022, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục bám sát các nội dung theo Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN, giai đoạn 2020 - 2025.
Ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Hoạt động KH&CN ở địa phương trong năm 2022 được triển khai đúng tiến độ đề ra theo kế hoạch, đem lại nhiều hiệu quả tích cực, với những cách làm hay, làm giỏi trong sản xuất và chăn nuôi, có khả năng nhân rộng điển hình, góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương. Trong đó, có mô hình thâm canh lúa cải tiến chất lượng theo hướng hữu cơ ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân); thâm canh cây mè trên chân đất chuyển đổi vụ Hè Thu tại xã Cát Hiệp; nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao sinh thái cây ngập mặn nước lợ ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát); nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao (bò lai BBB) tại xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn),…
Mô hình nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao được triển khai tại xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) đem lại hiệu quả. Ảnh: A.N
Trong nhiều mô hình thực hiện hiệu quả có thể kể đến mô hình nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao (bò lai BBB, quy mô 20 con) được Sở KH&CN phối hợp cùng UBND TP Quy Nhơn triển khai tại hộ ông Nguyễn Thái Thành, ở thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn). Ông Lê Văn Giác, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Mỹ, đánh giá: “Mô hình được triển khai trong năm 2022 theo phương thức chăn nuôi bán công nghiệp, sau khoảng 4 - 6 tháng nuôi, người nuôi lãi ròng hơn 5 triệu đồng/con. Từ mô hình này, địa phương có định hướng tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng ra cộng đồng để mở hướng phát triển mới, góp phần cải thiện, tăng thu nhập cho hoạt động chăn nuôi”.
Bên cạnh việc triển khai ứng dụng các mô hình, đề tài nghiên cứu, hoạt động KH&CN cấp huyện còn được Sở KH&CN cùng địa phương thực hiện nhiều nội dung khác, như: Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, thông tin về KH&CN, tập huấn… Ngoài ra, các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý KH&CN, ứng dụng mã QR Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao tính cạnh tranh, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn vì có cơ sở thông tin để lựa chọn hàng hóa chính hãng và chất lượng.
Ông Lê Công Nhường cho biết thêm: Năm 2023, Sở KH&CN tiếp tục có hướng dẫn các địa phương thực hiện 11 danh mục nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN trên tổng nguồn kinh phí hơn 1 tỷ đồng được tỉnh hỗ trợ, phân bổ cho các địa phương. Theo kế hoạch được phê duyệt, các nhiệm vụ triển khai trong năm tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chuyển giao tiến bộ KH&CN cho sản xuất tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm OCOP, các mô hình kinh tế, như trồng nấm, chuyển đổi giống cây dược liệu…
AN NHIÊN