Alo, chúng tôi luôn lắng nghe...
Từ năm 2018 đến nay, khi Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện hoạt động tư vấn trợ giúp đối tượng yếu thế, Ban Giám đốc và 4 cán bộ, chuyên viên của Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng (trực thuộc Trung tâm) luôn trong tâm thế sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi.
Cố gắng hết sức
Một tối nọ, đã quá nửa đêm, điện thoại di động của Phó Giám đốc Trung tâm Hà Thị Hiếu liên tục đổ chuông. Đã quen với việc này nên bà lập tức tỉnh hẳn người, an ủi người mẹ bất hạnh có cô con gái mới lớn vừa bị lạm dụng tình dục đang khóc nức nở ở đầu dây bên kia. Kết thúc cuộc gọi, chị liên lạc ngay những nơi có thẩm quyền liên quan, để tìm giải pháp trấn an những người liên quan là nạn nhân trong vụ việc.
“Tìm được cách hạ nhiệt căng thẳng, nhất là về mặt tâm lý cho đối tượng và gia đình họ cũng giống như việc thả cái neo để họ bám vào mà chống chọi giữa cơn bão biển vậy”, bà Hiếu chia sẻ.
Đầu năm 2023, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp cặp vợ chồng già, là ông bà ngoại của hai đứa trẻ sinh năm 2018 bị chậm phát triển, cha bỏ đi từ lâu, người mẹ ốm yếu đem con về nhà ngoại, lo chăm con nên không thể đi làm, kiếm tiền. Qua tìm hiểu hoàn cảnh, hai trẻ không thuộc đối tượng của Trung tâm theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội). Vậy là Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng đã tích cực kết nối với các cơ sở khác, dẫn người mẹ và ông bà ngoại đi khảo sát một vài nơi đủ điều kiện chăm sóc con cháu họ; đề nghị người mẹ tìm việc làm, chỗ ở gần các con để tiện việc tới lui, hỗ trợ con trong thời gian đầu.
Trong số hơn 100 trường hợp Trung tâm đã tư vấn, trợ giúp của năm 2022, đa số đều có được kết quả tốt đẹp. Cán bộ, chuyên viên của Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng đặc biệt “mát tay” với những ca bị bạo lực gia đình. Không chỉ hỗ trợ giải quyết mâu thuẫn, họ còn tuyên truyền, cung cấp kiến thức về hôn nhân gia đình, giúp người chồng, người vợ nhận ra hành xử đúng và chưa đúng, chưa phù hợp.
Sáng 1.3, tại Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng, chuyên viên Nguyễn Thị Trúc Lâm vừa trò chuyện qua điện thoại xong với một ca từng bị bạo hành ở huyện Phù Cát. “Em ấy ly dị chồng nhưng bị chồng cũ chặn đường, đánh ghen suốt. Bao nhiêu cuộc hòa giải ở địa phương không thay đổi được tình hình, người nhà của em liên hệ đến Trung tâm. Chúng tôi đã theo sát, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức 3 cuộc gặp (với gia đình em, gia đình chồng cũ và gia đình hai bên). Kết quả, mọi việc đã chấm dứt từ giữa năm 2022, em cũng đã tìm được bến đỗ mới của cuộc đời mình”, chị Lâm cho biết.
Chuyên viên Nguyễn Thị Trúc Lâm chuyện trò với các cụ già neo đơn tại Trung tâm. Ảnh: N.T
Tích cực tiếp sức
Vẽ ra giấy sơ đồ vòng đời của con người, đặt ở Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng, bà Hà Thị Hiếu thường nhắc nhớ những nguy cơ một người phải đối mặt từ nhỏ đến lúc về già. Cụ thể, lúc nhỏ thì đối mặt với nguy cơ bị xâm hại, tuổi dậy thường bị khủng hoảng tâm lý, lớn hơn nữa thì cần hướng nghiệp, tìm hiểu tình yêu nam nữ, hôn nhân gia đình, con cái, rồi những khủng hoảng của tuổi già...
Tất tần tật mọi thứ, các chuyên viên của Phòng đều cố gắng nắm bắt để làm tốt nhất công việc của mình. Người ít việc nhiều, mọi người nỗ lực chia sẻ, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, mở rộng kiến thức, mối quan hệ để hỗ trợ tốt nhất không chỉ đối tượng bảo trợ xã hội mà cả những người có nhu cầu theo hình thức xã hội hóa.
Sáng 1.3, Trung tâm tiếp nhận một đối tượng lang thang là người nước ngoài, qua xác minh ban đầu nhiều khả năng đến từ nước bạn Lào. Giám đốc Trung tâm Phan Đình Nhiệp cho biết, những năm qua, Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng làm rất tốt nhiệm vụ tư vấn tâm lý, kết nối, tìm người thân cho những đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp là người trong, ngoài tỉnh và cả ngoài nước đi lang thang, đưa họ về với người thân, gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.
Ghi nhận sự phối hợp kịp thời, đặc biệt trong công tác xác minh, làm rõ tình trạng, gia cảnh của đối tượng của đa số chính quyền địa phương thời gian qua, ông Nhiệp mong, cùng với nỗ lực của Trung tâm, thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp tích cực. “Những ai đang cần tư vấn, hỗ trợ, hãy điện thoại (qua các số 0392 334415, 0256.3835 355, 0342 024748) hoặc đến trực tiếp Trung tâm”, ông Nhiệp nhắn nhủ.
NGỌC TÚ