Chỉ số cải hành chính tỉnh năm 2022 chuyển biến tích cực
Sáng 2.3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Công bố các chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 và triển khai công tác CCHC năm 2023. Dự Hội nghị có các đồng chí: Đoàn Văn Phi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (thuộc Văn phòng Chính phủ)… cùng đông đảo đại biểu tham dự.
Quang cảnh Hội nghị.Ảnh: H.THU
Hội nghị đã báo cáo kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của các cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chỉ số tổng hợp CCHC năm 2022 của khối các cơ quan thuộc UBND tỉnh có giá trị trung bình đạt 89,16%, giảm 1,42% so với năm 2021 (chỉ số trung bình năm 2021 đạt 90,58%).
Tổng hợp kết quả chỉ số theo 3 nhóm như sau: Nhóm 1 (có kết quả chỉ số CCHC từ 90% trở lên) có 10 cơ quan: Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Sở TT&TT, Sở GD&ĐT, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ, Sở GTVT. Sở Nội vụ là đơn vị dẫn đầu có kết quả chỉ số CCHC là 95,07%. Nhóm 2 (có kết quả chỉ số CCHC đạt từ 85% đến dưới 90%) có 7 cơ quan: Sở KH&CN, Sở KH&ĐT, Sở VH&TT, Sở LĐ-TB&XH, Sở Du lịch, Sở TN&MT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh. Nhóm 3 (có kết quả chỉ số CCHC đạt dưới 85%) có 4 cơ quan: Thanh tra tỉnh, Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Ban Dân tộc.
Kết quả chỉ số CCHC năm 2022 cho thấy, có 7/21 cơ quan có Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2021, đó là: Sở Xây dựng, Sở GD&ĐT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở TT&TT, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Sở Tư pháp. Trong đó, Sở Xây dựng có giá trị điểm số tăng cao nhất với giá trị là 7,29. So sánh giá trị trung bình của 7 chỉ số thành phần cho thấy, 4/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình cao hơn năm 2021, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; tham mưu xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách TTHC; cải cách chế độ công vụ. Có 2/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình giảm so với năm 2021, đó là các chỉ số thành phần: Cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử. Có 1 chỉ số thành phần có giá trị trung bình bằng năm 2021 là cải cách tổ chức bộ máy.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn báo cáo kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của các cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: H.THU
• Chỉ số tổng hợp CCHC năm 2022 của một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có giá trị trung bình đạt 80,2%, giảm 3,8% so với năm 2021 (chỉ số trung bình năm 2021 đạt 84%). Có 4/5 cơ quan có Chỉ số CCHC năm 2022 trên mức giá trị trung bình. Không có cơ quan đạt mức độ nhóm 1, tất cả đều đạt ở nhóm 2. Kho bạc Nhà nước tỉnh là cơ quan dẫn đầu có kết quả chỉ số CCHC là 82,2%. Cục Hải quan xếp vị trí cuối cùng và có chỉ số CCHC là 75,6%. Kết quả chỉ số CCHC năm 2022 cho thấy, có 5/5 cơ quan có Chỉ số CCHC giảm so với năm 2021. Cục Hải quan có giá trị điểm số giảm cao nhất với giá trị là - 10,17.
• Về Chỉ số tổng hợp CCHC năm 2022 của khối UBND các huyện, thị xã, thành phố có giá trị trung bình đạt 81,6%, tăng 0,2% so với năm 2021 (chỉ số trung bình năm 2021 đạt 81,4%). Kết quả chỉ số CCHC được chia thành 2 nhóm (không có nhóm 1 đạt từ 90% trở lên): Nhóm 2 (có kết quả Chỉ số CCHC đạt từ 85% đến dưới 90%): Có 3 địa phương Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão; trong đó Hoài Nhơn là địa phương dẫn đầu có kết quả chỉ số CCHC là 88,4%. Nhóm 3 (có kết quả Chỉ số CCHC đạt dưới 85%) có 8 địa phương: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Quy Nhơn, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ; trong đó Phù Mỹ là địa phương xếp vị trí cuối cùng và có chỉ số CCHC là 76%.
Kết quả chỉ số CCHC năm 2022 cho thấy, có 5/11 địa phương có Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2021, đó là: Vân Canh, An Nhơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân và An Lão; trong đó Vân Canh có giá trị điểm số tăng cao nhất với giá trị là 6,88 điểm. So sánh giá trị trung bình của 8 chỉ số thành phần cho thấy, 4/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình cao hơn năm 2021, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Có 2/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình giảm so với năm 2021, đó là các Chỉ số thành phần: Xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính. Có 1 chỉ số thành phần mới so với năm 2021 là các chỉ tiêu phát triển KT - XH.
• Về kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Chỉ số hài lòng trung bình năm 2022 của 17 cơ quan thuộc UBND tỉnh đạt 90,38%, cao hơn kết quả khảo sát của năm 2021 (đạt 83,76%). Năm 2022, có 7/17 cơ quan đạt chỉ số hài lòng cao hơn giá trị trung bình (giảm 2 cơ quan so với năm 2021).
Chỉ số đo lường sự hài lòng năm 2022 có sự chuyển biến rõ rệt về vị thứ xếp hạng của các cơ quan, trong số ba cơ quan đứng đầu bảng năm 2022, có Sở Tư pháp tăng hạng với chỉ số hài lòng cao nhất 99,3% (năm 2021 đứng vị trí thứ 5), tiếp đến là Sở TT&TT (năm 2021 đứng vị thứ 9) và Sở Nội vụ ổn định ở vị trí thứ 3. Đứng cuối bảng, không có sự thay đổi về vị thứ xếp hạng là Sở NN&PTNT với chỉ số hài lòng 81,9%, thấp hơn giá trị trung bình 8,4%.
Chỉ số hài lòng của các cơ quan thuộc UBND tỉnh được chia thành 2 nhóm. Cụ thể: Sở Tư pháp, Sở TT&TT, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT, Sở KH&CN, Sở Công Thương, Sở VH&TT, Sở Du lịch nằm trong nhóm đạt điểm đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính có chỉ số hài lòng cao nhất đạt trên 90%; nhóm đạt trên 80% gồm: Sở GT&VT, Sở Xây dựng, Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở TN&MT, Sở KH&Đ, Ban Quản lý Khu kinh tế, tỉnh Sở NN&PTNT; không có nhóm đạt tỷ lệ dưới 80%.
Sự thay đổi trong đánh giá kết quả Chỉ số hài lòng của năm 2022 đối với các cơ quan thuộc UBND tỉnh, đó là chỉ số hài lòng yếu tố được đánh giá 4 nội dung (bỏ 1 nội dung là Tiếp cận dịch vụ), thay vì 5 nội dung ở năm 2021 và 2020. Từ kết quả khảo sát năm 2022, các chỉ số hài lòng có sự tăng giảm về giá trị trung bình chung. Cụ thể: 3 nội dung có tỷ lệ hài lòng tăng cao so với năm 2021 gồm: Thủ tục hành chính tăng 12,5% với tỷ lệ hài lòng cao 89,9%; Sự phục vụ của công chức, viên chức tăng 14,3% với tỷ lệ hài lòng cao 91,9%; Kết quả giải quyết công việc tăng 3,5% với tỷ lệ hài lòng cao 92,8% và 1 nội dung có tỷ lệ giảm so với năm 2021: Tiếp nhận và xử lý các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị giảm 3,4% với tỷ lệ hài lòng đạt 86,7%
• Chỉ số hài lòng năm 2022 của UBND các huyện, thị xã, thành phố có giá trị trung bình là 86,8%, tăng 5,9% so với năm 2021 (đạt 80,9%), năm 2020 (đạt 75,1%). Năm 2022, có 6/11 địa phương đạt chỉ số hài lòng cao hơn giá trị trung bình. Nổi bật là sự tăng hạng của Vân Canh tăng 19,4%, đứng vị trí thứ 2 (năm 2021 đứng vị trí thứ 9).
Trong nhóm các địa phương có chỉ số hài lòng dưới giá trị trung bình, tụt hạng, giảm điểm so với năm 2021, giảm sâu nhất là Tuy Phước giảm 3,9%, đứng vị thứ cuối bảng (năm 2021 đứng vị thứ 5), tiếp đến là Quy Nhơn giảm 2,7% đứng vị trí thứ 10 (năm 2021 đứng vị thứ 4), Hoài Ân đứng vị trí thứ 8 (năm 2021 đứng vị thứ 7); An Nhơn dù đã có sự cải thiện về chỉ số hài lòng so với năm 2021 nhưng kết quả của người dân/tổ chức đánh giá vẫn dưới giá trị trung bình chung của tỉnh.
• Về điểm số và xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh Bình Định năm 2022, cho thấy cảm nhận tích cực của các DN được khảo sát đối với năng lực điều hành của các sở, ban, ngành cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, điểm số trung bình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh là 70,67/100 điểm, đạt mức tốt. Điểm số và xếp hạng chi tiết chỉ số năng lực cạnh tranh Bình Định năm 2022 cấp sở, ban, ngành cũng thể hiện tín hiệu tốt từ các DN được khảo sát khi tất cả các Sở, ban, ngành được đánh giá đều thuộc nhóm khá trở lên, được phân thành ba nhóm như sau:
Nhóm rất tốt có 3 đơn vị: Sở GD&ĐT (81,04 điểm); Sở NN&PTNT (81,02) điểm; Sở TT&TT (80,04 điểm). Nhóm tốt có 11 đơn vị: Sở KH&ĐT (74,04 điểm), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh (73,85 điểm), Sở Tài chính (73,76 điểm), Sở Du lịch (73,61 điểm), Sở VH&TT (73,5 điểm), Sở TN&MT (72,73 điểm), Sở KH&CN (73,27 điểm), Sở Công Thương (71,92 điểm), BHXH tỉnh (71,77 điểm), Sở LĐ-TB&XH (70,91 điểm), Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh (70,05 điểm). Nhóm khá có 8 đơn vị: Sở GT&VT (68,14 điểm), Cục Hải quan tỉnh (65,69 điểm), Sở Tư pháp (65,08 điểm), CA tỉnh (64,32 điểm), Cục Thuế tỉnh (64,12 điểm), Sở Y tế (63,89 điểm), Sở Xây dựng (62,47 điểm), Cục Quản lý thị trường tỉnh (60,61 điểm).
Kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp địa phương tỉnh Bình Định năm 2022 cũng cho thấy cảm nhận tương đối tích cực của các DN được khảo sát đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, điểm số trung bình của các địa phương là 67,73 điểm, đạt mức khá. Cụ thể, được phân thành hai nhóm: Có 4 địa phương thuộc nhóm tốt: TX Hoài Nhơn (76,35 điểm), TX An Nhơn (74,81 điểm), huyện Tuy Phước (74,06 điểm), TP Quy Nhơn (73,83 điểm). 7 huyện còn lại trong tỉnh thuộc nhóm khá.
HOÀI THU