Người đứng đầu là “chìa khóa” giải quyết điểm nghẽn, bất cập cải cách hành chính
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang tại Hội nghị Công bố các chỉ số cải cách hành chính năm 2022 và triển khai công tác cải cách hành chính năm 2023, do UBND tỉnh tổ chức ngày 2.3.
Nâng cao hiệu quả cải cách nhìn từ thực tiễn
Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) thời gian qua, giải pháp thời gian tới.
Người dân thực hiện hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh vào sáng 2.3. Ảnh: HOÀI THU
Thời gian qua, Văn phòng UBND tỉnh tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn người dân, DN. Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An, đơn vị sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, tập trung nghiên cứu và tham mưu, đề xuất có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ nhiều giải pháp.
“Cần phải tập trung rà soát, đánh giá, cắt giảm tối đa thành phần hồ sơ TTHC gắn với tái cấu trúc, tối ưu hóa các quy trình giải quyết, nhất là cơ chế thực hiện liên thông nhóm TTHC. Trước mắt, Văn phòng UBND tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở KH&ĐT cùng các cơ quan có liên quan xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành một quy chế thống nhất để phối hợp giải quyết tất cả TTHC liên quan đến công tác thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”, ông An cho biết.
Năm 2022, TX Hoài Nhơn có chỉ số CCHC đứng đầu trong số 11 huyện, thị xã, thành phố. Theo Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Trần Hữu Thảo, quá trình phát huy lợi thế, năng lực cạnh tranh của địa phương luôn gắn với thực hiện hiệu quả công tác CCHC. Trong đó, có sự chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt, kiên trì và quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Một trong những cách làm nổi bật là UBND TX Hoài Nhơn bảo đảm cam kết với nhà đầu tư khi thực hiện các dự án tại địa phương với phương châm “3 nhanh, 4 đồng hành”.
Cụ thể là giải phóng mặt bằng sạch nhanh nhất; hỗ trợ giải quyết TTHC về đầu tư nhanh nhất; giải quyết khó khăn vướng mắc trước, trong và sau đầu tư theo thẩm quyền nhanh nhất. Đồng thời, đồng hành cùng nhà đầu tư trong nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp quy hoạch và đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư; trong giải quyết các TTHC để triển khai dự án; trong hoạt động xây dựng công trình đúng quy định pháp luật; trong giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc suốt quá trình đầu tư, hoạt động dự án hiệu quả.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha cho rằng, để công nghệ thông tin, chuyển đổi số thực sự gắn kết và thúc đẩy mạnh mẽ CCHC, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Sở TT&TT đề xuất một số giải pháp cụ thể, như đề nghị cần nghiên cứu triển khai thí điểm việc chỉ tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến để từng bước làm thay đổi thói quen của người dân, DN về nộp hồ sơ trên môi trường mạng.
“Riêng nhiệm vụ này, Sở TT&TT tiên phong đăng ký thực hiện đối với các TTHC do Sở TT&TT chịu trách nhiệm giải quyết. Đồng thời, để thu hút người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Sở TT&TT đề xuất các sở, ngành, địa phương nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, DN bằng cách ưu tiên rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ nộp trực tuyến”, ông Kha đề đạt.
Ông Kha cũng nhấn mạnh, năm 2023 được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chọn là “Năm dữ liệu số”. Các sở, ngành, UBND cấp huyện cần chủ động hình thành và cập nhật các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực mình quản lý, góp phần xây dựng và đưa vào hoạt động Kho dữ liệu dùng chung tỉnh Bình Định.
* Bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022:
Thứ hạng
Các cơ quan thuộc UBND tỉnh
(Chỉ số %)
UBND cấp huyện
1
Sở Nội vụ (95,07)
Hoài Nhơn (88,41)
2
Sở Tư pháp (94,54)
Hoài Ân (85,27)
3
Văn phòng UBND tỉnh (93)
An Lão (85,1)
4
Sở TT&TT (92,75)
Vĩnh Thạnh (84,28)
5
Sở GD&ĐT (91,53)
Vân Canh (82,5)
6
Sở Công thương (91,32)
Quy Nhơn (81,94)
7
Sở Xây dựng (91,27)
An Nhơn (80,53)
8
Sở Tài chính (91,26)
Tây Sơn (78,93)
9
Sở Ngoại vụ (90,75)
Phù Cát (78,92)
10
Sở GTVT (90,32)
Tuy Phước (76,03)
11
Sở KH&CN (89,19)
Phù Mỹ (76,02)
12
Sở KH&ĐT (88,36)
13
Sở VH&TT (88,04)
14
Sở Du lịch (87,95)
15
Sở LĐ-TB&XH (87,88)
16
Sở TN&MT (86,66)
17
Ban Quản lý KKT tỉnh (86,58)
18
Thanh tra tỉnh (84,73)
19
Sở NN&PTNT (84,17)
20
Sở Y tế (84,16)
21
Ban Dân tộc tỉnh (82,73)
Cải cách thực chất, trọng tâm, trọng điểm
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn báo cáo về nhiệm vụ trọng tâm công tác CCHC của tỉnh năm 2023. Sở Nội vụ đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai kế hoạch CCHC năm 2023 của UBND cấp xã thực chất, phù hợp với tình hình thực tế; khắc phục tính hình thức của công tác kiểm tra, đánh giá chỉ số CCHC tại địa phương mình.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật kỷ cương hành chính, tiêu cực và gây phiền hà cho nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (thứ 4 và 5 từ phải sang) trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 8 tập thể có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2022. Ảnh: H.THU
Sở Nội vụ đề nghị tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chính quyền trong cải cách TTHC; khắc phục những hạn chế trong thực hiện quy trình nội bộ, quy trình liên thông giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết TTHC trên từng lĩnh vực. Đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian, quy trình, giấy tờ giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả Đề án “Thực hiện cơ chế giao DN đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh” gắn với công tác số hóa hồ sơ trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Tổ chức thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30.1.2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: H.THU
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chỉ rõ những mặt còn hạn chế; lưu ý những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chính là “chìa khóa” để giải quyết tất cả các điểm nghẽn, bất cập, hạn chế tồn tại trong công tác CCHC. Công tác chỉ đạo điều hành cần phải đi vào trọng tâm, trọng điểm, “nói là phải làm”.
“Căn cứ vào các chỉ số CCHC được công bố tại Hội nghị và tình hình thực tế, các ngành, địa phương phân tích, đánh giá sâu, từ đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, có chương trình hành động khắc phục những hạn chế, tồn tại. Đặc biệt, mọi khó khăn, vướng mắc của DN, người dân phải được xem xét, giải quyết kịp thời; bởi đây là khâu còn rất yếu”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh LÂM HẢI GIANG
Theo ông Lâm Hải Giang, 2023 là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, CCHC có vai trò rất quan trọng, trong đó thực hiện cải cách TTHC vẫn là nhiệm vụ trọng tâm và đột phá, cần nâng cao hiệu quả để tạo tác động tích cực đến phát triển KT-XH. Nhiệm vụ trọng tâm khác là đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Về chuyển đổi số, căn cứ vào kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023 và định hướng đến năm 2025 của tỉnh vừa mới ban hành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện theo hướng làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả đến đó, tạo động lực cho sự lan tỏa chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính, DN, toàn xã hội.
HOÀI THU