Phát triển văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế, xã hội
Vận dụng, kế thừa, phát huy các giá trị, nguyên tắc của Ðề cương về Văn hóa Việt Nam, thời gian qua, Bình Ðịnh rất quan tâm phát triển văn hóa gắn với chính trị, KT-XH. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, văn nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến hơn nữa trong sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh. Báo Bình Ðịnh trích đăng một số ý kiến liên quan.
Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) biểu diễn tại Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn ở xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) vào tháng 2.2023. Ảnh: NGỌC NHUẬN
GIÁM ĐỐC SỞ VH&TT TẠ XUÂN CHÁNH:
Tập trung thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản
Thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tập trung triển khai việc quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt; di tích cách mạng, kháng chiến cấp quốc gia; một số di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh tiêu biểu. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực bảo vệ và phát huy giá trị các di sản nghệ thuật hát bội, bài chòi. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Bộ VH-TT&DL xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đẩy mạnh thực hiện số hóa di sản; quảng bá di sản văn hóa của Bình Định trong và ngoài nước; truyền dạy, thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng; bảo tồn và phát huy bền vững giá trị các làng nghề truyền thống tiêu biểu, nhằm phát triển văn hóa gắn phát triển kinh tế du lịch góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA DÂN GIAN NGUYỄN AN PHA:
Nếu để mai một vốn quý sẽ mang tội với tiền nhân, dân tộc!
Bình Định hiện có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và được UNESCO ghi danh, gồm: Nghệ thuật bài chòi dân gian, nghệ thuật hát bội, võ cổ truyền, lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn. Ngoài ra, còn có rất nhiều lễ hội khác đậm đà bản sắc địa phương, như: Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lễ hội cầu ngư, lễ hội thanh minh… Tỉnh ta đã làm rất tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Nhưng đó mới chỉ là đầu tư trên diện rộng, cần phải chú trọng đầu tư có chiều sâu hơn nữa mới phát huy giá trị xứng tầm.
Tôi mong rằng, tỉnh sẽ có nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ hơn nữa đến các võ đường, lực lượng võ sư để phát huy giá trị di sản võ cổ truyền Bình Định. Với nghệ thuật hát bội, ngoài đơn vị sự nghiệp công lập là Đoàn tuồng Đào Tấn, tỉnh ta còn có khoảng 10 đoàn hát bội không chuyên đang góp phần bảo tồn di sản, nhưng các nghệ nhân hát bội không chuyên đến nay vẫn chưa được nhà nước quan tâm hỗ trợ, họ phải tự bươn chải để sống với nghề. Riêng nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định độc đáo với bản sắc riêng Bình Định, không nơi nào có được là ngoài hội đánh bài chòi còn có sân khấu bài chòi dân gian với các loại hình diễn xướng bài chòi kể chuyện, bài chòi độc diễn, bài chòi lớp. Tuy nhiên đến nay, ta vẫn mới chỉ phục dựng được hội đánh bài chòi. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Trong tỉnh chỉ còn khoảng 6 - 7 nghệ nhân biết cách diễn xướng sân khấu bài chòi dân gian, nếu chúng ta không làm ngay việc bảo tồn, để mai một vốn quý này sẽ mang tội với tiền nhân, với dân tộc.
NSND XUÂN HỢI, HỘI VIÊN CHI HỘI SÂN KHẤU BÌNH ĐỊNH:
Tính toán ngay việc đào tạo lớp trẻ kế thừa nghệ thuật hát bội
Bình Định là cái nôi của nghệ thuật hát bội. Những năm qua, mặc dù được tỉnh quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát bội, song cá nhân tôi thấy chúng ta chỉ mới làm ở phần “ngọn”, còn phần “gốc” chưa được bao nhiêu. Bảo tồn phải gắn với phát triển, tức là phải tạo nguồn lớp trẻ kế thừa giữ nghề hát bội. Công tác đào tạo diễn viên trẻ đã được bàn bạc lâu nay, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có những động thái cụ thể. Nếu chúng ta cứ chần chừ thì sau này e rằng sẽ quá muộn, bởi lớp nghệ sĩ gạo cội ngày càng lớn tuổi, sẽ không đủ sức khỏe để dạy nghề.
NGHỆ NHÂN ƯU TÚ LÝ THÀNH LONG, CHỦ NHIỆM CLB BÀI CHÒI DÂN GIAN PHƯỜNG TAM QUAN, TX HOÀI NHƠN:
Quan tâm nhiều hơn đến các nghệ nhân bài chòi
Hiện nay, đội ngũ nghệ nhân bài chòi dân gian - những người đang thực hành và truyền dạy nghệ thuật này - hoạt động bởi niềm đam mê là chính, họ chưa được hưởng một chính sách hỗ trợ nào. Theo tôi, để phát huy giá trị môn nghệ thuật này nhiều hơn nữa, một mặt chúng ta vừa duy trì hoạt động các CLB, đội bài chòi để giữ gìn, phát huy giá trị di sản; mặt khác phải có những định hướng cụ thể trong công tác phát triển lớp nghệ nhân kế thừa. Do vậy, Nhà nước cũng nên quan tâm nhiều hơn đến đời sống của các nghệ nhân đang hoạt động nghệ thuật này, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý để tạo điều kiện cho họ lao động, sáng tạo nhiều hơn trong thực hành và truyền dạy nghệ thuật bài chòi dân gian.
BIÊN ĐẠO MÚA HOÀNG VIỆT, CHI HỘI TRƯỞNG CHI HỘI NGHỆ SĨ MÚA VIỆT NAM TẠI BÌNH ĐỊNH:
Tiếp thu thành tựu của thế giới nhưng vẫn giữ cốt lõi bản sắc của dân tộc
Trong đại gia đình văn nghệ sĩ ở Bình Định, các nghệ sĩ múa luôn xác định hướng đến chân, thiện, mỹ, ca ngợi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chúng tôi vừa tiếp cận các nền nghệ thuật của các nước để tiếp thu thành tựu của thế giới văn minh, hiện đại, nâng cao kiến thức, kỹ thuật, nhưng vẫn giữ cốt lõi bản sắc của dân tộc để xây dựng các kịch bản múa phục vụ nhân dân. Chúng tôi chú trọng khai thác các hình thức diễn xướng dân gian của ngư dân miền biển, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Bình Định để dàn dựng các tiết mục múa biểu diễn xen kẽ các tiết mục múa đương đại; vừa làm phong phú chương trình, vừa bảo tồn và quảng bá văn hóa đặc trưng của Bình Định.
Để nâng cao năng lực sáng tạo, phát huy các phong trào văn hóa, văn nghệ của tỉnh, góp phần xây dựng văn hóa, con người Bình Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, các nghệ sĩ múa cần các cấp, ngành quan tâm nhiều hơn nữa.
NGỌC NHUẬN (Lược ghi)