Vật liệu xây dựng tăng giá
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng nhanh khiến tình trạng khó khăn của nhiều doanh nghiệp xây dựng càng trầm trọng.
Giá tăng, thị trường trầm lắng
Thép xây dựng là mặt hàng tăng giá nhanh và nhiều nhất trong nhóm các loại vật liệu xây dựng (VLXD) thiết yếu. Nhiều cơ sở kinh doanh VLXD cho biết từ đầu năm 2023 đến nay giá thép xây dựng đã trải qua hơn 5 đợt điều chỉnh tăng giá, mức tăng tùy thuộc vào thương hiệu thép, với mức giá khoảng 15,7 - 16 triệu đồng/tấn, có thương hiệu thép vượt 17 triệu đồng/tấn.
Ghi nhận tại thị trường Quy Nhơn đến hết ngày 3.3, giá thép xây dựng cộng với thuế, phí, được các cơ sở phân phối đưa ra thị trường từ 17 triệu đồng/tấn đến hơn 19 triệu đồng/tấn. Trong đó, giá thép xây dựng Hòa Phát ở mức 17,7 triệu đồng/tấn, thép Việt Ý tăng mạnh với giá bán hơn 19 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, hiện hơn 10 thương hiệu xi măng dù không tăng mạnh nhưng giá vẫn đứng ở mức cao. Biến động giá cũng được ghi nhận tăng với mặt hàng cát xây dựng, ở mức khoảng 400 nghìn đồng/m3; gạch xây dựng tăng 100 đồng/viên lên 1.400 - 1.600 đồng/viên…
Thép là mặt hàng tăng giá nhanh trong số VLXD thiết yếu. Ảnh: M.H
Giá nhiều VLXD chủ lực tăng, nhưng thị trường hiện được đánh giá là không nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Phước, chủ DN tư nhân Thương mại Hoài Thương (TP Quy Nhơn), cho biết: Không như mọi năm, từ đầu năm đến nay sức mua VLXD khá chậm, hầu như khách hàng từ những công trình lớn đều không có, chỉ có khách lẻ mua rải rác dù đã bước vào mùa xây dựng. Ngay như giá thép xây dựng tăng không phải do nhu cầu thị trường tăng mà là do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.
Trước diễn biến giá VLXD vẫn tiềm ẩn những nguy cơ biến động tăng, các chủ đầu tư, nhà thầu bị tác động. Ông Nguyễn Kỵ, chủ một DN xây dựng tại TP Quy Nhơn cho hay: “Sau tết, công ty chỉ thi công những công trình cũ nhận từ năm ngoái. Năm nay chắc cũng không khá hơn, chỉ xây dựng những công trình nhà ở của người dân, còn công trình thương mại khó khởi công vì tình hình khó khăn, chủ đầu tư thiếu vốn. Chúng tôi “sống” được là nhờ những đối tác lâu năm, chứ phát triển khách hàng mới gần như rất hiếm”.
Cần điều chỉnh công bố giá phù hợp thị trường
Thầu thi công công trình đường ven biển của tỉnh đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho hay trong quá trình thi công vướng khá nhiều, trong đó có yếu tố giá VLXD và công bố giá VLXD của tỉnh.
Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả chủ động VLXD, nhất là cát, đá… cho dự án thi công công trình đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân. Ảnh: P.H
Theo ông Phạm Quỳnh Hải, Phó Giám đốc Ban điều hành- Chỉ huy trưởng cầu, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, thời điểm hiện tại giá nhiều VLXD, nhất là các vật liệu thiết yếu đang tăng. Công ty luôn luôn chủ động kế hoạch chuẩn bị vật liệu cho dự án để tránh tác động về giá cả. Dù vậy, việc giá VLXD tăng hiện nay vẫn có tác động nhất định, trong khi đó công bố đơn giá của liên ngành Xây dựng - Tài chính vẫn có sự chênh lệch với giá thị trường. “Đơn cử, với giá cát hiện nay, nhà thầu thi công chúng tôi đang lỗ nhiều so với giá dự thầu của gói thầu, nhưng bắt buộc chúng tôi phải làm vì nền đường yếu phải xử lý kéo dài. Theo hợp đồng thầu, đơn giá theo định mức xây dựng dù có được điều chỉnh thì cũng không thể đáp ứng được thực tế”, ông Hải chia sẻ.
Thực tế việc công bố đơn giá VLXD của cơ quan Nhà nước thời gian qua chưa sát với thực tế, trong khi giá nguyên vật liệu trên thị trường lại tăng cao gấp nhiều lần - là nhận định được ông Võ Văn Hai, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Minh, nêu ra tại diễn đàn liên quan đến chất lượng công trình xây dựng cơ bản do UBND tỉnh tổ chức cuối tháng 2.2023.
Bất cập trên cũng được ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, thẳng thắn thừa nhận, đi kèm với kiến nghị: Trong thời gian gần đây, tình hình giá VLXD trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng có một số biến động, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh. Do đó, các sở, ngành liên quan cần tăng cường công tác quản lý, thường xuyên rà soát, kịp thời cập nhật, công bố giá VLXD trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với giá VLXD trên thị trường, đặc biệt một số giá vật liệu chưa sát với thực tế và thấp hơn chi phí thực tế thi công.
Chẳng hạn, giá vật liệu đá xây dựng cho móng cấp phối đá dăm, mặt đường bê tông nhựa phải chọn lọc để đảm bảo chất lượng nhưng hiện công bố giá cho các mặt hàng này lấy theo giá đại trà. 130 nghìn đồng/m3 là giá đá dăm cấp phối được công bố, trong khi giá sản phẩm thực tế các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đang sử dụng là 160 nghìn đồng/m3. Tương tự, bột đá trong làm bê tông nhựa, giá bán trên thị trường khoảng 260 nghìn đồng/m3, nhưng giá sản phẩm tuyển lựa cho các dự án lên đến 310 nghìn đồng/m3… “Điều này chúng tôi đã kiến nghị lên tỉnh và liên ngành để tháo gỡ cho các nhà thầu xây dựng dự án trọng điểm của tỉnh. Hiện đang vào mùa xây dựng, giá VLXD tăng chắc chắn ảnh hưởng đến các dự án trọng điểm của tỉnh, do đó rất cần có sự điều hành giá VLXD linh hoạt sát với giá thị trường”, ông Phong nói.
Liên quan đến vấn đề này, theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo, hiện Sở đang khẩn trương làm việc với các sở, ngành và các ban quản lý dự án, phối hợp để thực hiện chỉ đạo mới đây Chủ tịch UBND tỉnh về việc rà soát, lập danh mục nhằm chuẩn hóa việc công bố giá VLXD (cát, đá, xi măng, thép xây dựng, nhựa đường, sơn các loại...) theo sát giá thị trường để phục vụ cho các chủ đầu tư lựa chọn, quyết định chất lượng các loại VLXD đưa vào thi công công trình phù hợp với công năng, điều kiện tự nhiên của địa phương.
MAI HOÀNG