Cô gái khiếm thị đam mê thêu tranh
Đến thăm “Vườn tái chế” của Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga (trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn), tôi bắt gặp cô gái khiếm thị Huỳnh Thị Diệu Nguyệt (quê ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) ngồi chăm chú vào từng đường thêu.
Đến gần hỏi han chuyện thêu thùa, chị Nguyệt cười thật tươi, vui vẻ chia sẻ về những bức thêu chữ của mình. Chị bảo, mình đã thêu được nhiều chữ rồi, như chữ “Tâm”, chữ “Lộc”, chữ “Nhớ”..., thêu chữ nào chị cũng có những kỷ niệm khó khăn. Nhưng ấn tượng hơn cả có lẽ là chữ thêu đầu tiên - chữ “Nhẫn”. Ý nghĩa của con chữ này gắn chặt với hành trình học thêu gian nan của chị.
Chị Nguyệt chăm chỉ bên khung tranh. Ảnh: N.T
Chị Nguyệt bị khiếm thị bẩm sinh, gần ba mươi năm chỉ lẩn quẩn trong nhà. Chị biết đến nghề thêu từ những thông tin qua chiếc radio và điện thoại ba mẹ cho. “Tôi biết Việt Nam có nhiều nơi thêu tranh, đặc biệt là tranh thêu XQ Đà Lạt. Những câu chuyện người thêu thể hiện qua từng bức tranh làm tôi vô cùng xao xuyến và đầy hứng thú. Vậy là tôi ấp ủ mong muốn tự tay thêu để gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình vào sản phẩm tạo ra”, chị Nguyệt trải lòng.
Chị xin học nghề nhưng nhiều nơi từ chối. Mãi đến năm 2018, thông qua một người bạn, chị liên lạc với Chi hội Nguyễn Nga, gặp được bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chi hội trưởng đầy cảm thông, chia sẻ, tiếp sức. Vượt bao khó khăn, trở ngại, với sự động viên, tạo điều kiện của bà Nga, nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tìm kiếm phương pháp dạy học trò khiếm thị của cô giáo dạy thêu, hai năm sau đó, bức thêu chữ “Nhẫn” cũng là sản phẩm đầu tay của chị Nguyệt ra đời.
“Những mũi thêu đầu tiên của tôi thường bị lệch ra ngoài “vùng cấm” cô giáo đặt ra. Mấy đầu ngón tay, không chỗ nào không có vết thẹo do kim châm để lại; nhưng tôi thấy vui khi tay mỗi ngày mỗi dẻo và uyển chuyển, linh hoạt hơn trên tấm vải thêu. Hiểu mình phải cố gắng thật nhiều, cộng với đam mê sẵn có, tôi luôn quyết tâm, không lùi bước. Nhưng nói thật, nếu như không có sự chỉ bảo, hỗ trợ tận tình của cô giáo và cô Nga thì tôi rất khó thêu được như bây giờ”, chị Nguyệt nói lời tri ân từ đáy lòng mình.
Thấy chị Nguyệt thêu chữ “Duyên”, tôi hỏi ý nghĩa chữ này, chị xúc động, như tâm tư được nhìn thấu. Chị tâm sự rằng mình biết nghề, học được nghề, rồi được bao nhiêu người giúp đỡ cũng đều nhờ “có duyên”. Hiện đã có gần vài chục bức thêu vừa ý, chị ước ao có điều kiện mở cuộc triển lãm tranh thêu với mong muốn giới thiệu sản phẩm của mình, như một lời cảm ơn, tri ân đến người thân, bạn bè, những người quan tâm, tin tưởng, tạo điều kiện.
“Thông qua cuộc triển lãm, tôi cũng muốn truyền cảm hứng đến những người đồng tật có sở thích, năng khiếu với nghề thêu như mình, muốn họ hãy mạnh mẽ, dấn thân trong hành trình khẳng định khả năng, biến ước muốn thành sự thật - như tôi đã từng vậy”, chị Nguyệt chia sẻ.
KHÁNH HUÂN