Mượn biển…
● Tản văn của HỒ MINH TẦM
Năm 1962, có lẽ trước biển thi sĩ Xuân Diệu tự thú: Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/ Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê... Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng cũng xin làm bể biếc/ Để hát mãi bên gành/Một tình chung không hết… Biển ở đây nhiều khả năng là biển Quy Nhơn. Gành ở đây có lẽ là Gành Ráng, tôi đoán thế. Đứng trước biển người ta dễ lãng mạn, dễ suy tư, dễ vừa “dữ dội và dịu êm” như biển.
Không như khi đứng trước gương soi, trước biển ta giống một đứa trẻ, trước biển ta nhẩm ta bao nhiêu tuổi chả để làm gì, trước biển ta không đủ lớn. Dù rằng mỗi con người là cả một thế giới. Trước biển tôi thường có những câu hỏi về sự huyền bí của nó. Hỏi chỉ để hỏi mà không nhất thiết phải được trả lời. Bởi chính biển cũng đâu biết mình dài rộng bao nhiêu. Bởi chính biển cũng chẳng biết vì đâu mà mặn, vì đâu mà lớp lớp sóng theo nhau tìm về… Thiên nhiên đất trời nuôi ta lớn và biến ta thành một đứa trẻ.
Tranh của họa sĩ VŨ TRỌNG ANH
Quảng Bình quê tôi cũng có biển. Từ tuổi thơ đến thành niên tôi ở gần biển, nhưng khi về đến vùng biển Phù Cát tôi mới có cảm giác này - luôn có cảm giác mình là một thằng bé con.
Vì thế mà đôi lần Biển cùng tôi trò chuyện.
- Này Biển, sao ngài mặn thế?
- Vì bữa cơm các người cần muối.
- Này Biển, sao cũng là biển mà vùng mặn chát, vùng mặn vừa, vùng trong xanh, vùng ố đục?
- Thì người xem, giọng nói các người dù trong một nước, một vùng, một quê, có giống nhau đâu.
- Này Biển, chúng tôi ngày ngày giong thuyền lớn thuyền bé, ra khơi đánh bắt, lấy của ngài nào cá tôm nào cua mực, nào rong cỏ… ngài có tiếc, có đau xót lòng dạ gì không?
- Ồ không, ta vui, ta dâng hiến… Ta chỉ buồn mà thực ra ta buồn cho lũ cá lũ tôm bé dại, nhẽ ra chúng phải được sống tiếp, được lớn hơn, được yêu đương, được sinh nở… Ta buồn thương cho chúng nó, cùng là buồn thương và lo lắng cho mai sau, cho con cháu các người… Buồn cả cho ta nếu một ngày…
- Này Biển, có phải ngài ngày một dâng thêm, ngài muốn lớn thêm, hay…
- À, ta đã đủ lớn, ta không cần lớn thêm nữa đâu… Chỉ tại rừng ngày một bé đi, rừng không còn giữ được nước như xưa… Nên ta giữ dùm. Nếu người không bảo vệ rừng, bảo vệ ta thì ta cứ thế lớn mãi, lớn mãi như thế, ngươi có lo - sợ không ?
- Không, ta là một đứa trẻ mà, ta chỉ biết nghịch đùa, hưởng thụ thôi… Ngài đủ bao dung mà, đúng không…
- Ồ… thôi, người về đi, đã đến giờ ta gào thét.
…
Bây giờ là tháng 2, cái tháng đầu Xuân, cái tháng mà mai, đào đang vương vấn sắc hương, tháng cắt cành, bón gốc. Xuân nẩy lộc, xuân phát chồi, nhưng đâu đó vẫn sót mưa, sót gió mùa Đông trước. Đêm, cũng cần một tấm chăn ngang bụng, mỗi sáng vợ chồng họ vẫn nhắc nhau khoác đủ ấm rồi đi. Nhưng biển chưa yên. Biển vẫn ngày đêm miệt mài làm phẳng lại bãi bờ… dường như tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7 hằng năm mới là mùa Xuân của biển.
Tháng 4 năm ngoái, khi tôi đã bén đất Bình Định được hai tháng, cứ mỗi chiều sau giờ làm… không gì thú vị hơn là ra chơi với biển. Đặc thù nghề nghiệp, tôi được nhúng biển nhiều nơi từ Nam chí Bắc. Tôi bơi kém vì chẳng chịu học, chẳng chịu tập luyện gì, ra biển đôi khi chỉ ngồi trên cát ngó nghiêng người, ngó nghiêng mây trời, chơi với cát, nghịch với bọt biển. Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu hay Nhật Lệ quê tôi, chiều hè cứ ra biển là như lạc vào show trình diễn thời trang áo tắm khổng lồ cho mọi lứa tuổi, thích lắm chứ, vui lắm chứ… Chỉ tiếc sau mỗi ngày, chai lọ, túi bóng lại ngổn ngang, lại dập dềnh ra biển. Tuy nhiên, ở một số nơi họ có một đội quân để nhặt nhạnh, vệ sinh cho biển, còn lại thì… tùy hứng. Tiếc thay!
Tạng tôi, không mấy thích nơi đông đúc, vì thế những bãi biển “chuyên nghiệp” không hấp dẫn tôi bằng những bãi biển hoang sơ, nguyên sơ. Hồi đang làm dự án “ứng phó biến đổi khí hậu” ở Đồng Hới, mỗi chiều thay vì bãi Nhật Lệ, tôi đạp xe mãi ra Đồng Phú cách Nhật Lệ chừng 5 km để tận hưởng cái hoang sơ lành hiền. Có lẽ giờ đã quá hiếm hoi.
May, vào đây ngay Cát Tiến này, biển có gì đó giống Biển Đồng Phú quê tôi. Mỗi chiều mùa hè chừng vài chục người dân quanh đây vác tay lưới ra chơi, dắt trẻ con ra tắm. Bãi cát dài, bằng phẳng và sạch. Nước thì… nhìn cứ như uống được, trong vắt trong veo. Có những hôm lặng sóng, bóng tượng Phật từ chùa ông Núi đổ xuống… ừ thì Phật cũng cần tắm biển, cũng thích biển lặng, biển sạch chứ sao. Và biển đã là Biển.
Nhớ một chiều năm ngoái, khi tôi ngồi nghịch cát ở gần mép sóng, một cô bé chừng 4 - 5 tuổi mon men tới. Tôi đùa cháu: Biển của bác mà, ai cho cháu tới đây, tới đây là phải mua kẹo cho bác mới được tới. Nó nhìn tôi, không nói, không cười… rồi nó chạy lại chỗ ba nó: Ba ơi, má nói biển của ba mà, sao giờ cái bác kia nói biển của bác ấy dzẫy há ba… Ba nó nháy máy với tôi, ờ thì biển của con, nhưng cho bác ấy mượn bác ấy chơi xíu cũng được mà… Nó nhìn ba nó, rồi nhìn tôi, rồi nhìn ra biển… Chắc nó muốn hỏi biển, mấy ổng ngừi lớn nói dzẫy có đúng hông bà Biển?
Mùa hè cứ thế, Biển cứ thế, trẻ con cứ thế, sóng và cát cứ thế… Ngàn đời nay cứ thế, sống - sóng cần nhau! Bạn có tin không, cứ về Cát Tiến đi, chỉ cần lặng yên trước bạn sẽ dần tin biển đúng là Biển. Một thực thể có thật sống động to lớn nhưng cũng cần được bảo vệ.