Trung Quốc khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV
Trong kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa 14 khai mạc sáng nay (5.3) tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023 nhằm vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Cũng tại kỳ họp quan trọng này, các vị trí lãnh đạo như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng sẽ chính thức được bầu ra và phê chuẩn.
Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Nhân đại, tức Quốc hội) khóa XIV đã khai mạc sáng nay (5.3) tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình cùng lãnh đạo Nhân đại, Chính hiệp (Mặt trận) và 2.948 đại biểu đã tham dự hội nghị.
Trung Quốc khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Tân Hoa xã
Trong “Báo cáo công tác Chính phủ” cuối cùng trình bày tại phiên khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tổng kết công tác chính phủ trong 5 năm qua mà ông gọi là “rất phi thường” với những thành tựu nổi bật như giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đói nghèo và xây dựng xã hội khá giả toàn diện đúng hạn, hoàn thành mục tiêu 100 năm thứ nhất và hướng tới mục tiêu 100 năm thứ hai... Trong đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng bình quân 5,2%/năm trong 5 năm.
Ông cũng khẳng định những thành tựu mới mà nước này đạt được trong năm 2022 là “rất không dễ gì có được”, mặc dù kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% mức thấp nhất kể từ những năm 1970 và thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra là 5,5%.
Trong báo cáo, chính phủ Trung Quốc tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế và đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là khoảng 5%, tạo được khoảng 12 triệu việc làm ở thành thị, tăng so với mục tiêu ít nhất 11 triệu của năm ngoái; duy trì bội chi ngân sách ở mức 3% GDP, lớn hơn mức khoảng 2,8% đề ra năm 2022.
Đề cập đến những khó khăn mà Trung Quốc gặp phải trong năm 2023, ông cho biết: “Vấn đề phát triển mất cân đối, không đầy đủ vẫn nổi cộm. Sự phát triển hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tính bất định của môi trường bên ngoài gia tăng, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, đà tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới suy yếu, sự chèn ép và kìm hãm từ bên ngoài liên tục gia tăng. Nền tảng tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn cần được củng cố, nhu cầu yếu vẫn là mâu thuẫn nổi cộm, kỳ vọng của đầu tư tư nhân và doanh nghiệp tư nhân chưa ổn định, doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ cùng hộ cá thể gặp nhiều khó khăn. Nhiệm vụ ổn định việc làm còn nhiều gian nan...”
Trước thực trạng trên, trong 8 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho năm 2023, chính phủ Trung Quốc đã đặt mở rộng nhu cầu trong nước lên vị trí hàng đầu, bên cạnh các nhiệm vụ khác như đẩy nhanh xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại; đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ khu vực ngoài công lập; thú hút mạnh và tận dụng tốt hơn đầu tư nước ngoài; ngăn ngừa và hóa giải hiệu quả các rủi ro kinh tế, tài chính lớn, trong đó có rủi ro hệ thống do lĩnh vực bất động sản gây ra và rủi ro nợ công của chính quyền địa phương...
Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần này sẽ kéo dài 8 ngày rưỡi và bế mạc vào sáng 13/5. Hội nghị có 9 nội dung chính, bao gồm xem xét 6 báo cáo, trong đó có Báo cáo công tác Chính phủ, dự thảo “Luật Lập pháp” (sửa đổi), kế hoạch cải cách bộ máy Quốc vụ viện, bầu cử và phê chuẩn nhân sự cấp cao các cơ quan nhà nước, trong đó có các chức danh quan trọng, như Chủ tịch nước và Ủy viên trưởng Nhân đại (Chủ tịch Quốc hội) sẽ được bầu vào sáng ngày 10/3, nhân sự Thủ tướng sẽ được quyết định sau đó một ngày, tức sáng 11.3.
“Lưỡng hội”, tức hai kỳ họp Chính hiệp và Nhân đại là hai sự kiện chính trị trọng đại của Trung Quốc trong năm 2023. Hai kỳ họp này càng quan trọng hơn khi là sự kiện lớn tiếp theo được tổ chức sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bầu ra ban lãnh đạo mới của các cơ quan Nhà nước, cải cách bộ máy Chính phủ, đưa ra những quyết sách thúc đẩy sự nghiệp hiện đại hóa của Trung Quốc, nhất là vực dậy nền kinh tế đang đối mặt với áp lực phục hồi tăng trưởng hậu Covid-19 và giải quyết các vấn đề nóng trong xã hội sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp Quốc hội năm nay.
Theo Bích Thuận (VOV)