Khắc phục tình trạng sinh con không có cán bộ y tế đỡ đẻ
Tại các huyện miền núi, địa bàn rộng, chia cách, khó đi cũng là nguyên nhân khiến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản thêm phần khó khăn. Dù vậy, các địa phương vẫn nỗ lực để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, hạn chế sản phụ sinh con không có cán bộ y tế đỡ đẻ.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ đẻ tại nhà ở một số huyện miền núi, trung du không có cán bộ y tế đỡ vẫn còn cao. Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo: Đẻ tại nhà có rất nhiều nguy hiểm, tai biến sản khoa như băng huyết, tử vong mẹ, tử vong sơ sinh. Do vậy, các địa phương nên tập trung hạn chế tình trạng này.
Tình trạng đẻ không có cán bộ y tế vẫn còn
Nói về lý do vẫn còn tình trạng đẻ tại nhà, ông Hứa Tự Thảo, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Hiện nay, việc có một số ca đẻ tại nhà không có cán bộ y tế đỡ chủ yếu rơi vào xã Vĩnh Sơn, vì họ ở trong nhà rẫy xa khu dân cư nên về địa phương không kịp. Người dân ở đây cũng bị động trong việc sinh đẻ, không tính toán ngày giờ trước, đó là điều hạn chế hiện nay. Trước tình hình đó, TTYT đã chuyển 1 máy siêu âm lên để hỗ trợ, tiên lượng thời gian đẻ, nhưng thực hiện 1 thời gian không có hiệu quả nên buộc phải đem về.
Nhân viên y tế hướng dẫn cho trẻ bú mẹ. Ảnh: T. KHUY
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Vân, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, TTYT huyện Vân Canh, chia sẻ: Dù vẫn còn nhưng tình trạng đẻ không có cán bộ y tế đỡ đã giảm nhiều. Năm 2021, tổng số ca đẻ tại nhà là 24 ca, trong đó có 21 ca không có nhân viên y tế đỡ. Năm 2022 còn 9 ca, trong đó 7 ca không có nhân viên y tế đỡ. Tình trạng này chủ yếu ở 2 xã Canh Hiệp, Canh Liên. Cùng với việc không tính được thời gian sinh, đời sống quá khó khăn khiến người dân phải đi làm nương rẫy, đến khi sinh thì không về kịp và vì thiếu chất dinh dưỡng nên thai nhỏ, họ đẻ cũng rất nhanh.
Tương tự, tại huyện An Lão, mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản của TTYT huyện gồm có Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, các chuyên trách chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các trạm y tế xã, thị trấn, các y tế thôn, cô đỡ thôn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do tương tự như các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh mà An Lão vẫn còn tình trạng sản phụ sinh tại nhà.
Nỗ lực khắc phục
Nếu như Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản của TTYT huyện Vân Canh và TTYT huyện An Lão chưa triển khai thực hiện chăm sóc sản khoa toàn diện (chưa thực hiện mổ đẻ và truyền máu) do thiếu bác sĩ chuyên khoa sản và bác sĩ gây mê hồi sức, thì TTYT huyện Vĩnh Thạnh đã làm được điều này từ lâu.
Ông Hứa Tự Thảo cho biết thêm: Theo đề án 1816, hằng năm, TTYT Vĩnh Thạnh cử bác sĩ xuống để tỉnh đào tạo; ngược lại, BVĐK tỉnh cũng tăng cường bác sĩ về Vĩnh Thạnh để chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật. Với cách thức như vậy, tay nghề của anh em liên tục nâng cao và có lớp đào tạo nào chuyên khoa ngoại sản thì Trung tâm đều cử cán bộ đi học. Nói chung đến giờ này, mặc dù ở miền núi nhưng trình độ chuyên môn của anh em ở tuyến huyện được cập nhật thường xuyên so với các bệnh viện bạn, kể cả BVĐK tỉnh chứ không riêng tuyến huyện. Hiện nay, về lĩnh vực phẫu thuật cấp cứu ngoại sản, Vĩnh Thạnh đã làm được tất cả thủ thuật và phẫu thuật vượt tuyến của bệnh viện hạng 1, hạng 2. Cùng với đó là các dịch vụ xét nghiệm kèm theo. Ở đây cũng có máy móc trang thiết bị khá đầy đủ và cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên nên đảm bảo từng kíp mổ. Riêng vấn đề trình độ chuyên môn, thiết bị y tế kèm với kỹ năng được cập nhật thường xuyên cho nên hoạt động ngoại sản của TTYT duy trì ổn định.
Đối với việc khắc phục việc sinh đẻ tại nhà, ông Hứa Tự Thảo chia sẻ: Tại Vĩnh Sơn cũng có một số cô đỡ thôn nên chúng tôi tiếp tục phát huy vai trò của các cô đỡ tại địa phương. Trên Vĩnh Sơn, Trung tâm cũng có triển khai một phòng sinh, giống như 1 phòng khám khu vực để đỡ đẻ tại chỗ. Nhưng những trường hợp đẻ không có cán bộ y tế đỡ rơi vào trường hợp đẻ quá nhanh, tới trạm không kịp.
Tại Vân Canh, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Vân cho hay: Một số làng xa có cô đỡ thôn nhưng cũng có nơi chưa có. Cho nên, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đào tạo thêm cô đỡ thôn. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động để nâng cao ý thức người dân. Đồng thời, trong quá trình thai kỳ, nếu có thai phụ đến khám thai chúng tôi cũng tranh thủ dặn dò, nhắc nhở.
Chị Đinh Thị Ngọc, làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, sinh bé thứ 2 tại TTYT huyện Vân Canh, chia sẻ: Được cán bộ y tế hướng dẫn canh được ngày sinh nên tôi chủ động đến bệnh viện trước. Giờ mẹ tròn con vuông tôi rất vui. Nhân viên y tế cũng hướng dẫn tôi cho trẻ bú mẹ tự nhiên để tốt cho bé.
THẢO KHUY