Cách khắc phục bệnh viêm xoang dị ứng
Viêm xoang dị ứng do thời tiết là dạng bệnh có xu hướng chuyển biến nặng vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là từ hạ sang đông hoặc xuân sang hạ. Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Trưởng khoa Tai Mũi Họng (BVĐK tỉnh) cho biết: “Bệnh thường có các triệu chứng như ngạt mũi, ngứa mũi, hắt xì hơi liên tục. Sổ mũi, chảy nước mũi, người bệnh sẽ thấy có dịch trong suốt chảy ra từ mũi. Càng về sau thì dịch nhầy sẽ càng trở nên đặc đồng thời chuyển sang màu đục có mùi hôi khó chịu. Mệt mỏi toàn thân. Bên cạnh những triệu chứng đã được liệt kê ở trên, người bệnh còn cảm thấy cơ thể thường xuyên mệt, ngủ không ngon…”.
Để phòng ngừa mắc và tái phát viêm xoang, cần luôn giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết trở lạnh, đặc biệt là giữ ấm ở vùng cổ, ngực và mũi. Sử dụng khẩu trang hoạt tính khi đi ra ngoài đường, bên cạnh việc giữ ấm còn có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập của bụi bẩn, vi khuẩn. Không tắm nước lạnh hoặc tắm trong buồng thông gió. Giữ cho môi trường sống xung quanh sạch sẽ để hạn chế các tác nhân gây bệnh như khói bụi và vi khuẩn.
Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, từ bỏ việc hút thuốc lá, tránh xa môi trường có khói thuốc lá. Nên sử dụng gừng chữa viêm xoang dị ứng, trong gừng có hàm lượng chất kháng sinh tự nhiên histamine, giúp kháng viêm, chống khuẩn từ đó làm giảm tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi.
Nên xông hơi để làm giảm các triệu chứng khó chịu, chỉ cần dùng bát nước đun sôi, thêm vào đó 1 - 2 giọt tinh dầu chanh, bạc hà,… rồi cúi mặt, chùm khăn kín xông hơi khoảng 15 - 20 phút. Hơi nước sẽ tác động trực tiếp vào các khoang mũi, giúp làm loãng dịch nhầy, loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn từ đó giúp xoang mũi thông thoáng hơn, giảm tình trạng nghẹt mũi.
THU PHƯƠNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)