Nông dân An Lão tích cực tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới
Cùng với việc tích cực tham dự các lớp tập huấn chuyển giao KHKT sản xuất, mấy năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện An Lão còn chủ động tìm tòi, học hỏi cách làm mới để nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi.
Để sản xuất được 3 vụ/năm đạt hiệu quả kinh tế cao, trước khi đưa cây ớt vụ Đông ra trồng trên ruộng, ông Lê Anh Ngọc, nông dân xã An Hòa đã làm bầu ươm giống cho cây ớt trước khi trồng xen canh 2 vụ/năm. Cách làm này không những giúp cây ớt phát triển ổn định ngay cả trong điều kiện thời tiết mưa dài ngày, mà còn đảm bảo tuân thủ được khung lịch thời vụ, nâng cao năng suất, sản lượng cây ớt. “Tham khảo nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tôi thấy rất hay nên để ý những chi tiết có thể học tập, ứng dụng; cùng với việc làm bầu ươm cho cây ớt giống, tôi thiết kế hệ thống phun sương nhằm đảm bảo tưới nước thật đều, nhất là trong mùa hạn. Có hệ thống này, mình không phải kéo ống nước đi khắp ruộng nữa, tiết kiệm được thời gian, công lao động. Hoặc như nhờ việc trải bạt nhựa sinh học trên luống, đã hạn chế được cỏ dại, tiết kiệm chi phí, công lao động diệt cỏ, phân thuốc, lại còn giữ được độ ẩm cho đất, tiết kiệm nước”, ông Ngọc chia sẻ.
Ông Lê Anh Ngọc ở xã An Hòa chủ động làm bầu ươm giống cây ớt và phủ màng nhựa sinh học chống cỏ, giữ ẩm cho cây trồng. Ảnh: D.T.D
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện An Lão, năm 2022, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt gần 13.400 tấn, đạt 95,4% kế hoạch năm; tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì phát triển ổn định với gần 165 nghìn con. Để đạt được kết quả này, thời gian qua, các xã, thị trấn đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tuyên truyền, vận động nông dân tập trung thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gắn với thế mạnh của địa phương. Đồng thời, triển khai thực hiện mô hình trồng thử nghiệm các cây, con mới theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đã xuất hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế như: Mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng của gia đình anh Đinh Văn Phưa ở xã An Quang, mô hình nuôi heo đen của ông Đinh Văn Rơm ở thị trấn An Lão; mô hình trồng rau an toàn của hộ ông Hồ Châu ở xã An Tân…
Đến nay, mặc dù An Lão chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHKT, công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế tốt như nhiều địa phương khác, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện, nông dân An Lão đã thay đổi nhận thức, tích cực tiếp cận, làm quen với cách thức sản xuất tiên tiến. Đây là tiền đề quan trọng để huyện triển khai một số chương trình phát triển KT-XH, đặc biệt là ở mảng canh tác an toàn, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hiệu quả bền vững.
DIỆP THỊ DIỆU