Xử phạt nghiêm minh tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Xử phạt vi phạm hành chính tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài là một trong những giải pháp quan trọng để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, việc thực thi quyết định xử phạt trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ tồn tại, hạn chế.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, 10 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ trong năm 2022 đến nay chưa được ban hành quyết định xử phạt. Còn theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, trong 5 năm qua, có đến 50 tàu cá của ngư dân ở 4 xã trên địa bàn huyện vi phạm vùng biển nước ngoài và bị nước ngoài bắt giữ; trong đó, UBND tỉnh mới có quyết định xử phạt 20 tàu (nhiều tàu bị xử phạt đến 900 triệu đồng), BĐBP tỉnh có quyết định xử phạt 3 tàu.
Ngày 21.2, UBND thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát) tổ chức kiểm điểm trước dân 4 chủ phương tiện tàu cá đã vi phạm vùng biển nước ngoài vào năm 2021, bị bắt giữ, xử lý và vừa trở về địa phương.
- Trong ảnh: 2 chủ tàu cá vi phạm (thứ 2 và thứ 3 từ trái qua) tại buổi kiểm điểm. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Đáng nói, hầu hết quyết định xử phạt đến nay “vẫn còn trên giấy”. Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, dù đã nhắc nhở nhưng hầu hết các chủ tàu cá này đều “chây ỳ” chưa nộp phạt. Các đơn vị, địa phương liên quan cũng đã lập biên bản xác minh tài sản của một số chủ tàu cá vi phạm. Nhiều trường hợp vi phạm, bị nước ngoài phá hủy tàu cá, phạt tù ngư dân Việt Nam; sau khi họ được về nước thì cuộc sống khó khăn, không có tiền nộp phạt.
Về vấn đề trên, ông Phạm Dân - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thành viên Ban Chỉ đạo IUU tỉnh, cho rằng những năm qua tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống IUU, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nên hầu như ngư dân đã biết xâm phạm chủ quyền quốc gia của nước khác là sai phạm. Đáng nói, nhiều trường hợp biết mà vẫn coi thường pháp luật, cố tình làm sai... nên cần phải xử phạt nghiêm minh.
Theo ông Dân, khi bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam xâm phạm, Malaysia tiêu hủy tàu, phạt tù rất nghiêm khắc. Trong khi đó, Việt Nam chỉ xử phạt vi phạm hành chính; tỉnh Bình Định đã có nhiều quyết định xử phạt nhưng chưa thực thi. Do đó, cần xem xét nghiêm túc hơn nữa. Ông Dân cũng lưu ý, việc chậm trễ dẫn đến có khả năng một số quyết định xử phạt đã hết thời hiệu thi hành.
Theo Luật số 67/2020/QH14 ngày 13.11.2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1.1.2022), thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định.
Thời gian tới, việc thực thi các quyết định xử phạt vi phạm hành chính tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cần được rà soát, thực hiện quyết liệt, chủ động hơn. Cần sớm xác minh tài sản của chủ tàu cá vi phạm - một trong những cơ sở cần thiết trước khi thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt. Đối với những trường hợp “không có gì để cưỡng chế”, nếu bỏ qua sẽ tạo tiền lệ xấu; vì vậy cần xem xét, mạnh dạn đề xuất hình thức xử lý căn cứ theo các quy định khác của pháp luật.
Nguồn: BTV
Được biết, chống IUU là 1 trong 4 khuyến nghị quan trọng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Việt Nam. EC đã khẳng định dù chỉ còn 1 tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thì sẽ không gỡ “Thẻ vàng”, nếu vẫn còn nhiều tàu cá vi phạm thì sẽ có nguy cơ đưa ra “Thẻ đỏ” - cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU (Liên minh châu Âu).
Nếu điều trên xảy ra sẽ gây tác động tiêu cực rất lớn đến phát triển nghề cá nói riêng và phát triển KT-XH đất nước nói chung, bởi EU là 1 trong 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam (trong năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam qua EU đạt hơn 1,3 tỷ USD).
Như vậy, sau khi thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, ngăn chặn, nếu tàu cá của ngư dân vẫn cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép, liệu có phải là tội phá hoại chính sách KT-XH? Bởi, đây là hành vi làm cho các chính sách KT-XH của Nhà nước bị cản trở hoặc không thực hiện được. Nếu bị khép vào tội này, người phạm tội sẽ bị phạt tù tùy theo mức độ vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
HOÀI THU