Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định:
Tất bật với các chương trình phục vụ Liên hoan
Là một trong những đơn vị đảm nhiệm chính nhiều phần việc trong các chương trình của Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V - năm 2014, các võ sư, HLV, võ sinh thuộc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện các tiết mục biểu diễn, kịp giới thiệu với khán giả, các đoàn võ thuật trong và ngoài nước một cách ấn tượng.
Kể từ đầu tháng 7 đến nay, hầu hết võ sư, HLV, võ sinh nội dung biểu diễn thuộc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định phải tăng thời gian tập luyện trong ngày để hoàn thành chương trình được giao. Bất kể sáng sớm hay chiều tối, các nhóm võ sinh tham gia các tiết mục phục vụ chương trình Liên hoan đều tập luyện nghiêm túc, khẩn trương. Thậm chí những buổi chiều mưa, các nhóm vẫn nán lại chờ trời tạnh ráo lại tiếp tục việc tập luyện.
Theo kịch bản, trong lễ khai mạc Liên hoan, các võ sinh Bình Định sẽ tham gia vào các chương trình nghệ thuật: “Âm vang hào khí Việt Nam”, “Trống trận Tây Sơn và võ cổ truyền”, “Bình Định - Hội tụ miền đất Võ”. Bên cạnh đó, ở chương trình Lễ hội đường phố, 40 võ sinh nhỏ tuổi của lớp năng khiếu hè biểu diễn tiết mục Cờ lau tập trận, tái hiện hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh thuở chăn trâu cùng bạn bè luyện võ; 100 võ sinh tham gia tiết mục biểu diễn võ cổ truyền và nhạc võ Tây Sơn bằng các bài quyền, roi và côn lửa.
Trong số các tiết mục tham gia biểu diễn tại lễ khai mạc, các võ sinh phải tập luyện nhuần nhuyễn các bài võ cổ truyền nổi tiếng như: Quyền thiền sư, Roi thái sơn, Hùng kê quyền, Song phượng kiếm… Ngoài ra, còn phải biểu diễn với đại đao, thương, khiên. Đối với các võ sinh đang là thành viên của đội tuyển võ cổ truyền Bình Định, do đã được tập nhuần nhuyễn nhiều bài võ cổ truyền và tham gia một số kỳ Liên hoan nên không gặp nhiều khó khăn trong việc thể hiện và nắm bắt ý đồ của các HLV, đạo diễn. Trong khi đó, nhiều VĐV ở các đơn vị khác phải tập từ đầu, hoặc được chỉnh sửa động tác sao cho đúng với nguyên bản, vừa có lực, vừa có thần. Đây là khó khăn không nhỏ đối với các HLV, vì trong một khoảng thời gian ngắn phải huấn luyện cho nhiều nhóm võ sinh có trình độ khác nhau cùng thể hiện được ý nghĩa của các tiết mục.
Một nét mới trong chương trình khai mạc Liên hoan lần này là nghi lễ Tôn vinh tổ nghiệp, với màn thể hiện của 100 võ sinh. Nghi lễ mang nhiều ý nghĩa: hướng về cội nguồn, thể hiện lòng tôn sư trọng đạo, kính tổ trọng thầy, tôn trọng bạn bè, thể hiện cái tâm, cái đức của người học võ.
Với những VĐV phong trào, việc trong một thời gian ngắn phải ghi nhớ nhiều động tác mới, các bước di chuyển liên tục trên sân khấu là điều không hề dễ dàng. Trong khi đó, những VĐV chuyên nghiệp cũng phải chạy đua với thời gian để vừa tham gia tốt các tiết mục biểu diễn tại Liên hoan, vừa tập những bài võ sở trường để dự Giải Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần IV tại TP Hồ Chí Minh và Cúp vô địch các CLB võ cổ truyền toàn quốc (diễn ra tại Bình Định từ ngày 30.7 đến 3.8).
Võ sư Trần Duy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - người chịu trách nhiệm chính về các chương trình võ thuật biểu diễn tại Liên hoan - cho biết: “Một thuận lợi đối với chúng tôi là lần này các võ sinh tham gia vào các tiết mục biểu diễn đều là VĐV võ cổ truyền. Nhờ đó, việc nắm bắt những động tác kỹ thuật của các bài võ dễ dàng hơn so với các VĐV ở các môn võ khác. Tuy nhiên, với việc huy động thêm các võ sinh từ một số CLB ở Tuy Phước, Trường Cao đẳng Bình Định… vốn ở xa trung tâm TP Quy Nhơn nên trong một số buổi tập có đôi chút trục trặc về giờ giấc tập trung. Dù vậy, với sự nhiệt tình của các võ sư, HLV, VĐV, các tiết mục đã cơ bản được hoàn thiện với chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu của tổng đạo diễn”.
LÊ CƯỜNG
Thành Phố Quy Nhơn rất có duyên với những cuộc đón tiếp bạn bè Quốc tế và Trong nước bằng những cơn mưa bất chợt. Nhưng mong sao Bình Định hãy thể hiện tinh thần đón khách bằng tinh thần thượng võ, Thành phố Quy Nhơn lỗng lẫy với những vẻ đẹp nguyên sơ vốn có.