Gặp người thương binh 16 lần bị thương
Bút ký của Trần Duy Đức
Đứa cháu gái cẩn thận pha trà và mời tôi ngồi uống nước, chờ cháu đi gọi ông nội đang thả bò trên đồi về. Ngồi khoảng 15 phút tôi đã thấy anh Bảy Nhơn (Nguyễn Hữu Nhơn) lừa hai con bò đến ngõ, đóng cổng chuồng xong, anh ra góc sân múc gàu nước dưới giếng rửa tay chân. Trong làng ít ai còn dùng nước giếng như nhà anh, bởi giếng nước của anh ở độ cao lưng chừng dốc, mạch nước đá ong rất trong và mát.
1.
Bước vào nhà, anh mừng rỡ, tưởng ông khách nào lạ, té ra... Anh gọi chị Bảy cũng vừa ngoài đồng về, làm mấy con lươn nấu cháo và nướng con cá lóc để đãi khách. Sợ tôi ngại, anh nói ngay, lươn cá do anh đi câu chứ không có mua, năm ba bữa là xách cần đi kiếm vài ba con về cải thiện. Trước khi đi bộ đội, anh là người câu lươn có tiếng ở xứ câu lươn, bắt ếch, bắt nhái, đào đá ong này.
Cả tuổi xuân dâng cho quê hương.
Sinh ra và lớn lên từ những ngày sục sôi cách mạng của cao trào tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa Thu năm 1945, gia đình anh Nguyễn Hữu Nhơn nghèo lắm, nghèo nhất nhì cái làng Thuận Đức “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, của cái xã nghèo Nhơn Mỹ (An Nhơn). Hồi ấy ruộng Bàu Lùng, Bàu Bái quê anh quanh năm ngập nước, chỉ cấy có một vụ, mùa được mùa mất, nên thường xuyên thiếu ăn.
Anh trầm ngâm nhớ lại: Không nghèo sao được, trước giải phóng cả làng chỉ có vài ba chục mẫu ruộng, mỗi năm cấy được một vụ bấp bênh, thời gian còn lại là cái bàu nước mênh mông từ đầu làng đến giáp Bàu Sấu, toàn là cỏ lùng lác, nơi trú ngụ của cá, lươn, ếch nhái. Đàn ông thì đào đá ong, câu lươn, bắt ếch, hoặc cắt cỏ lùng bán cho các chủ ngựa ở Đập Đá, Nhơn Hưng; phụ nữ thì chằm nón đem xuống chợ Gò Găng bán, một số bà có vốn liếng lo chạy chợ cũng chỉ đổi gạo nuôi sống qua ngày. Hoàn cảnh gia đình anh Bảy Nhơn càng khó khăn, anh chỉ học dở dang bậc tiểu học và ở nhà chăn bò, câu lươn, đào đá ong giúp cha mẹ.
Lòng yêu nước và tinh thần cách mạng được nung nấu trong anh từ thời niên thiếu của chín năm kháng chiến chống Pháp. Sau khi Hiệp định Giơnèvơ ký kết, đất nước ta tạm chia làm hai miền, chờ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng đối phương đã bội ước, xóa bỏ hiệp định, muốn chia cắt lâu dài đất nước ta, ra sức đàn áp dã man những người yêu nước và phong trào cách mạng ở miền Nam. Càng khôn lớn, chí căm thù giặc càng sục sôi trong anh và càng nhận rõ con đường cách mạng.
2.
Quê hương Nhơn Mỹ, cái nôi cách mạng, nơi ra đời chi bộ Hồng Lĩnh từ năm 1936, tổ chức Đảng đầu tiên của các huyện phía nam tỉnh, sớm có phong trào cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, truyền thống ấy đã thôi thúc phong trào cách mạng của xã trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi có Nghị quyết 15/TW (tháng 1.1959), xác định đường lối đấu tranh cách mạng ở miền Nam, thực lực cách mạng bắt đầu phục hồi, phát triển, đầu những năm 60, cờ cách mạng và truyền đơn đã xuất hiện nhiều nơi trong xã, trong huyện. Phong trào cách mạng đã nhen nhóm và ngày càng phát triển mạnh, nhất là cuối năm 1964, đầu năm 1965. Chàng thanh niên Nguyễn Hữu Nhơn vừa ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” càng háo hức, hăm hở đi tìm tổ chức để được cầm súng đánh giặc.
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Nhơn thời còn trẻ.
Đi làm cách mạng là gia đình anh bị địch đàn áp, khủng bố, nhưng không có sự lựa chọn nào khác, không thể sống trong nanh vuốt của kẻ thù, chịu giam hãm trong hàng rào ấp chiến lược nhìn giặc giết hại những người yêu nước, giết hại dân lành. Tháng 12.1964, anh vào bộ đội tỉnh, để lại cha mẹ già và người vợ, cùng đứa con mới biết gọi cha. Chiến dịch đồng khởi như thế chẻ tre, Nguyễn Hữu Nhơn lao vào chiến đấu từ chiến trường khu Đông, đến khu Tây, khu Nam, góp phần giải phóng toàn bộ các xã nông thôn, hình thành thế bao vây quận lỵ, thị trấn.
Hòng cứu vãn tình thế, từ cuối tháng 9.1965, quân Mỹ và chư hầu ào ạt đổ vào miền Nam, ra sức phản kích, thực hiện kế hoạch hai gọng kìm: “tìm diệt và bình định”, vừa càn quét đánh phá ác liệt ở miền Nam, vừa ném bom phá hoại miền Bắc. Bình Định là chiến trường quân Mỹ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên tập trung rất đông, nhất là sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn đóng và càn quét, đánh phá gây bao tội ác đối với các huyện phía nam tỉnh. Đơn vị anh Nhơn được giao nhiệm vụ vừa độc lập tác chiến, vừa phối hợp với các lực lượng tổ chức chống địch càn quét lấn chiếm vùng giải phóng.
Trong 6 năm trực tiếp chiến đấu, anh không còn nhớ đã mấy chục lần đụng đầu với quân xâm lược nhà nghề, Nguyễn Hữu Nhơn đã 16 lần bị thương nặng, nhẹ, để lại trên cơ thể anh nhiều thương tật. Nhiều lần bị thương nặng như trận đơn vị anh chống càn đánh quân Nam Hàn ở Đồng Ấu, xã Bình An, huyện Bình Khê, giáp xã Nhơn Mỹ giữa năm 1966 và trận đánh cắt quốc lộ 19 trong chiến dịch Xuân Mậu Thân - 1968...
3.
Do bị thương nhiều lần nên sức khỏe rất yếu, giữa năm 1969, anh Nhơn được cấp trên cho ra miền Bắc để chữa bệnh, nghỉ dưỡng và học tập. Vượt đường Trường Sơn mấy tháng trời mới ra đến Hà Nội, nhưng khi sức khỏe vừa phục hồi thì anh một mực xin trở về chiến trường miền Nam để cùng đồng đội chiến đấu chứ không chịu ở lại miền Bắc học tập. Năm 1971, anh lên đường trở lại chiến trường, và được bổ sung vào Huyện đội An Nhơn, làm Trợ lý chính trị, trực tiếp chiến đấu trên quê hương từ chiến dịch Hè năm 1972, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, buộc Mỹ phải ngồi vào đàm phán và ký Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam, quân Mỹ và chư hầu phải rút về nước vô điều kiện.
Nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, đối phương gấp rút thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, ra sức giành dân lấn đất. Quân dân ta kiên quyết trừng trị bọn ngoan cố vi phạm Hiệp định, quyết giữ vững vùng ta làm chủ. Lúc này Nguyễn Hữu Nhơn đang làm Chính trị viên Đại đội 2 ở khu Đông, cấp trên điều anh về làm Chính trị viên Đại đội 1 ở khu Tây, trực tiếp chiến đấu cho đến ngày quê hương An Nhơn và cả miền Nam hoàn toàn giải phóng. Một lần nữa anh bị thương nặng trong khi chiến đấu đánh địch lấn chiếm vùng ta làm chủ, mảnh đạn M79 đã cướp mất con mắt bên trái của anh, con mắt bên phải cũng bị ảnh hưởng giảm thị lực chỉ còn dưới 50%.
4.
Sau ngày thống nhất đất nước, do sức khỏe yếu, Nguyễn Hữu Nhơn được chuyển ngành về làm công tác bảo tồn bảo tàng tại Phòng Văn hóa huyện An Nhơn, đến năm 1984, anh được nghỉ chế độ hưu trí. Trở về đời thường, sống ở quê sau 20 năm chiến đấu và công tác, trên cơ thể đầy thương tích, sức khỏe chỉ còn 29%. Làng Thuận Đức quê anh cùng cả xã đang ra sức xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp, tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống. Mặc dù là một thương binh hạng 2, tỉ lệ thương tật 71%, nhưng “tàn mà không phế”, anh Nhơn đã cùng với gia đình lao động sản xuất để cải thiện cuộc sống. Cánh đồng Bàu Lùng, Bàu Bái quê anh được cải tạo, xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu, không còn ngập úng quanh năm như trước kia, từ một vụ làm hai ba vụ lúa ăn chắc, đời sống gia đình anh và bà con thôn xã dần được khá hơn.
Từ khi tổ chức Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Nhơn được tập thể anh em đồng đội năm xưa tín nhiệm cử làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Mỹ khóa đầu tiên, và anh giữ trọng trách này liền hai khóa. Nhờ nền nếp ấy nên người kế nhiệm anh đã tiếp tục phát huy thành tích của anh bộ đội cụ Hồ năm xưa, góp phần xây dựng phong trào cách mạng của xã trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc.
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Nhơn đã 73 tuổi đời, 46 năm tuổi Đảng, sức khỏe ngày càng yếu, nhưng từ trọng trách Bí thư chi bộ thôn, đến Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc. Một con người hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ như phụ nữ, mà đầy ắp chiến công: 1 Huân chương kháng chiến hạng nhất, 1 Huân chương chiến công hạng nhì, 3 Huân chương giải phóng các hạng nhất- nhì- ba...
5.
Từ cái làng Thuận Đức ra đi làm cách mạng mấy mươi năm, đến ngày nghỉ hưu, trên mình đầy thương tích, anh Nguyễn Hữu Nhơn vẫn trở về lại xứ sở câu lươn, câu cá, bắt ếch, bắt nhái, đào đá ong... hòa mình với cuộc sống nơi mình chôn nhau cắt rốn. Anh và vợ cùng mấy người con sống êm ấm nơi ruộng đồng. Diện mạo quê nghèo năm xưa nay đã thay đổi nhiều, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Vừa nói chuyện, vừa ăn cháo lươn, cá lóc nướng và uống vài lon bia từ trong tủ lạnh lấy ra, và vừa xem đá bóng trên truyền hình. Nhìn ra cánh đồng trước nhà anh Bảy Nhơn lúa đang vào đòng hứa hẹn mùa bội thu, xe máy nối nhau chạy trên đường làng trải bê tông bên nhà. “Thời cha ông mình làm sao có được như thế này phải không anh?”, người cựu binh- thương binh nói với tôi mà cũng như nói với chính mình.
T.D.Đ