Nhức nhối nạn lấn đường họp chợ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục điểm chợ tự phát ven đường, từ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện cho đến các tuyến đường trong khu dân cư, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn các nguy cơ TNGT.
Bà Nguyễn Thị Liên, ở gần chợ Quán Mối (thôn Đại Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), phản ánh: Cứ vào buổi sáng hằng ngày, tiểu thương chợ Quán Mối lại lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán. Những rổ, thúng chứa đầy thực phẩm, hàng chục chiếc xe gắn máy dựng tràn ra đường khiến lòng đường QL 1 bị thu hẹp, trong khi lưu lượng phương tiện qua lại rất đông. Người điều khiển phương tiện giao thông qua đây càng thêm lo sợ vì TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tương tự, tại chợ Góc (xã Phước Lộc), chợ Cây Sanh (thôn Cảnh An 2, xã Phước Thành) và chợ Văn Quang (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) luôn diễn ra cảnh buôn bán dưới lòng, lề đường. Đường qua các chợ này rất hẹp, góc cua gấp, lượng xe tải chở dăm, gỗ nguyên liệu, đất cát có trọng tải lớn lưu thông rất nhiều nên việc người dân lấn đường mua bán dẫn đến nguy cơ xảy ra TNGT.
Tại chợ thôn 9 (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ), nạn lấn tỉnh lộ 639 để họp chợ cũng thường xuyên diễn ra, kẻ bán, người mua nhốn nháo, xe cộ di chuyển qua lại rất khó khăn, khiến giao thông lộn xộn. Chưa kể, việc họp chợ tự phát bên đường dẫn đến xả thải nước và rác, gây ô nhiễm môi trường.
Hằng ngày người dân mua bán trên tuyến ĐT 639, đoạn trước chợ thôn 9, xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ), gây ùn tắc giao thông. Ảnh: VĂN LƯU
Tương tự, tại chợ Cát Tiến (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), vào buổi sáng hằng ngày, khu vực trước cổng chợ, tiểu thương ngang nhiên bày hàng hóa dưới lòng đường bán, khiến xe cộ qua đây hết sức khó khăn, nguy hiểm. “Trên tuyến tỉnh lộ 639 qua khu vực chợ này, xe cộ tấp nập, chỉ một sơ suất của lái xe hay người đi đường thì sự cố giao thông có thể xảy ra”, anh Trần Công Hậu, lái xe thường xuyên đi trên đoạn đường này, cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, trước đây, UBND huyện Tuy Phước đã chỉ đạo chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng khắc phục tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường họp chợ, buôn bán hàng rong. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tồn tại dai dẳng là do người dân kém ý thức, không chấp hành đúng quy định. Người dân chỉ chấp hành tốt khi cơ quan chức năng đi xử lý, nhưng lực lượng vừa rút đi thì đâu lại vào đó.
“Để chấn chỉnh tình trạng trên, sắp đến, huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân dọc các tuyến đường bộ cam kết không lấn chiếm lòng lề đường để họp chợ; tổ chức kiểm tra, xử lý, giải tỏa, di dời, xóa bỏ các chợ tự phát dọc các tuyến đường. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để người dân lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ họp chợ, xảy ra ùn tắc giao thông, gây TNGT trên địa bàn quản lý”, ông Xuân cho biết.
Còn ông Hồ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng, thừa nhận, tình trạng lấn đường họp chợ tại chợ thôn 9 càng nghiêm trọng vào dịp Tết. Diện tích chợ nhỏ, nhưng nhu cầu mua bán của người dân ngày càng cao; lượng tiểu thương đến buôn bán, kinh doanh rất đông.
“Tỉnh đã đồng ý về mặt chủ trương, giao cho huyện làm chủ đầu tư xây dựng chợ mới tại khu triều cường ở thôn 9. Khi chợ xây xong, chúng tôi sẽ vận động các hộ tiểu thương vào kinh doanh tại đây, không còn tình trạng lấn đường họp chợ như hiện nay”, ông Long thông tin.
Có thể thấy, việc lấn chiếm lòng, lề đường để mua bán diễn ra lâu nay đã là bệnh “mãn tính”, một phần do ý thức chấp hành của người dân còn kém. Song, phải kể đến việc chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng liên quan chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm, xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ”.
VĂN LƯU