Cần quan tâm hơn nữa an toàn vệ sinh thực phẩm
Sở Y tế đã có kết luận về vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại huyện Tây Sơn trong tháng trước. Theo đó, nguyên nhân gây ngộ độc là rau muống xào bị ô nhiễm vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus, gây đau bụng, tiêu chảy. Trong bữa ăn trưa ngày 25.6, tại bếp ăn tập thể của Công ty CP May Tây Sơn (ở thị trấn Phú Phong) có 77 người bị ngộ độc và nhập viện điều trị tại BVĐK khu vực Phú Phong.
Sở Y tế cũng đã thông báo kết luận về vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn trước đó. Sau bữa ăn sáng 20.6 tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, 17 người đã bị ngộ độc và nhập viện điều trị tại BVĐK khu vực Bồng Sơn. Do các cơ sở thức ăn đường phố này đều là cơ sở nhỏ lẻ, không thực hiện lưu mẫu thực phẩm nên chỉ lấy được các mẫu que tăm bông quét bàn tay người trực tiếp chế biến thức ăn và bệnh phẩm của bệnh nhân. Do đó, không xác định được thức ăn nào là nguyên nhân gây ngộ độc mà chỉ nghi ngờ thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh.
Tình trạng ngộ độc thực phẩm là một vấn đề bức xúc trong thời gian qua ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng. Theo Cục An toàn thực phẩm, năm 2013 cả nước có 163 vụ ngộ độc thực phẩm khiến gần 5.000 người phải nhập viện và 28 trường hợp tử vong. Còn trong 6 tháng đầu năm nay toàn quốc ghi nhận 67 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.528 người nhập viện và 24 trường hợp tử vong.
Nguyên nhân là do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Phổ biến là việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm. Nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y. Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hóa chất kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản không theo đúng quy định gây tồn dư các hóa chất này trong thực phẩm. Việc bảo quản lương thực thực phẩm không đúng quy cách tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển.
Các bệnh do thực phẩm gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là các bệnh mạn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư. Trong những năm qua, Nhà nước và các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm bảo đảm ATVSTP cũng như tạo hành lang pháp lý để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, song hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập.
Vì vậy để không ngừng nâng cao chất lượng ATVSTP thì phải không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa của ATVSTP đối với sức khỏe con người. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng như Y tế, Thú y, Bảo vệ thực vật, Quản lý thị trường của tỉnh.... cần tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm và cố tình vi phạm. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ được sức khỏe con người về trước mắt và lâu dài.
Ngày 4.1.2012, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030, nhằm nhấn mạnh nội dung an toàn thực phẩm, tạo động lực thúc đẩy việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong cả nước. Theo đó, đến năm 2020 về cơ bản, việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Hy vọng đây sẽ là cơ hội để công tác ATVSTP được quản lý một cách chủ động, có hiệu quả; người quản lý và người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm.
Minh Ngọc