Khuyến nông sát với nhu cầu thực tế
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) xây dựng 16 mô hình khuyến nông trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 6 mô hình thực hiện áp dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và tăng thu nhập cho người dân. Ðiểm nổi trội của năm nay là các mô hình khuyến nông đáp ứng yêu cầu đổi mới để phù hợp yêu cầu thực tế và hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông đầu tư mô hình cơ giới hóa khâu thu hoạch đậu phụng. Ảnh: THU DỊU
Những năm qua, hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; các mô hình khuyến nông dần tích hợp trong mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình khuyến nông tạo dấu ấn phải kể đến việc xây dựng và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết; áp dụng kỹ thuật canh tác mới như, canh tác theo phương thức SRI kết hợp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Các mô hình khuyến nông tập trung vào việc khảo nghiệm giống cây trồng mới, vật nuôi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng tốt hơn. Hoạt động khuyến nông đã bám theo yêu cầu thực tế, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, nhờ vậy đóng góp lớn vào thành công chung của sản xuất nông, lâm ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, nhờ triển khai đều và rộng, xuyên suốt, lắng nghe phản hồi từ thực tế sản xuất, cơ quan khuyến nông đã lựa chọn, rút kinh nghiệm, nhìn nhận được những mặt hạn chế để có kế hoạch tổ chức thực hiện tốt hơn. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng kế hoạch triển khai 16 mô hình khuyến nông, trong đó có 6 mô hình tập trung chuyên sâu vào ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện Trung tâm phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát, thẩm định và lựa chọn hộ để triển khai mô hình năm 2023.
Thành công của hoạt động khuyến nông là tích cực khảo nghiệm các giống mới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: THU DỊU
Năm 2023, Trung tâm triển khai 6 mô hình khuyến nông chuyên sâu về công nghệ cao gồm: Xây dựng mô hình thâm canh cây đậu phụng gắn với liên kết chuỗi kết hợp sử dụng hệ thống tưới tiên tiến và tiết kiệm; mô hình cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đậu phụng; thâm canh hợp chuẩn VietGAP; liên kết sản xuất và tiêu thụ bắp ngọt; sản xuất kiệu VietGAP và sản xuất hành VietGAP.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: “Các mô hình năm nay được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hơn, trong đó có mô hình được nhân rộng từ những mô hình hiệu quả năm 2022. Một số mô hình mới mang tính chất khảo nghiệm để tìm hướng đi; đặc biệt là mô hình chuyên sâu về công nghệ cao kỳ vọng là điểm nhấn cho hoạt động khuyến nông năm 2023. Chúng tôi đã tính toán xây dựng các mô hình này để có sự đột phá cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, gắn hoạt động khuyến nông trong dòng chảy chung của phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh”.
Phù hợp điều kiện địa phương, năng lực người dân, mở hướng đi mới
“Phải nhìn nhận rằng, từ một số mô hình mà Trung tâm Khuyến nông triển khai ở Hoài Ân như thâm canh cây bưởi hợp chuẩn VietGAP, nuôi bò Kobe kết hợp trồng cỏ, mô hình thâm canh lúa SRI theo hướng hữu cơ, nuôi gà thả đồi rất phù hợp với điều kiện địa phương, năng lực của người dân, mở hướng đi mới cho nông dân Hoài Ân trong phát triển kinh tế nông hộ. Các mô hình của Trung tâm Khuyến nông góp thêm một kênh chuyển giao KHKT, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tới người dân gần gũi, dễ tiếp cận, dễ thực hiện”.
Ông VÕ DUY TÍN, Trưởng Phòng NN&PNT huyện Hoài Ân
Nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân
“Điểm nổi bật của hoạt động khuyến nông ở Tây Sơn là các mô hình về sản xuất giống rau mới, mô hình thâm canh cây đậu phụng kết hợp hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm đã nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con nông dân”
Ông LÊ HÀ AN, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn
Đã tạo đột phá trong nuôi tôm nước lợ
“Những mô hình khuyến nông trong lĩnh vực thủy sản như nuôi quảng canh cải tiến tôm thẻ chân trắng, nuôi tổng hợp tôm - cua- cá, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo công nghệ Semi-Biofloc mà Trung tâm Khuyến nông triển khai gần đây đã tạo ra bước đột phá trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Tuy Phước. Nhờ các mô hình này, năm 2023, huyện Tuy Phước đã có thêm giải pháp để chuyển đổi nuôi tôm nước lợ các xã ven đầm, tạo sinh kế ổn định cho người dân”.
Ông PHẠM QUANG ÂN, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước
THU DỊU