Công tác DS-KHHGĐ ở Vân Canh:
Nhiều khó khăn, thách thức cần sớm tháo gỡ
Trong 3 năm gần đây, công tác DS-KHHGĐ ở huyện Vân Canh có nhiều dấu hiệu bất thường. Trong đó, đáng lo ngại là tình trạng thời gian gián cách giữa hai lần sinh bị thu hẹp lại, số người sinh con thứ 3 tăng và hiện tượng kết hôn sớm, kết hôn khi chưa đủ tuổi cũng gia tăng.
Những con số “biết nói”
Từ năm 2011 đến nay, công tác DS-KHHGĐ ở Vân Canh nảy sinh nhiều thách thức, khó khăn. Chị Lê Thị Nhọt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Canh Hiệp, chia sẻ: “Tôi thấy rất ngại trước tình trạng nam, nữ mới 15, 16 tuổi đã lấy vợ, lấy chồng; đáng ngại hơn nữa là hiện tượng nhiều gia đình sinh con thứ 3, thứ 4, thứ 5 diễn ra khá phổ biến”.
Theo thống kê của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vân Canh: Năm 2013, trên địa bàn huyện Vân Canh, số người sinh con thứ 3 tăng 2% so năm 2012; còn 6 tháng đầu năm 2014, số trẻ sơ sinh tăng 12 trẻ so 6 tháng đầu năm 2013.
Cũng theo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vân Canh: Năm 2011, toàn huyện có 26 trường hợp tảo hôn; năm 2012 là 36 trường hợp; năm 2013 là 39 trường hợp; còn 6 tháng đầu năm 2014 đã xảy ra 16 trường hợp tảo hôn. Các xã Canh Hòa, Canh Liên và Canh Hiệp là những địa phương có nhiều trường hợp tảo hôn; trong đó, có trường hợp tại xã Canh Hòa mới 17 tuổi nhưng đã có 2 con, con lớn 3 tuổi, con nhỏ được vài tháng tuổi.
Đi tìm nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên là bởi 2 năm gần đây, khi thực hiện Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BTC-BYT của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, các phương tiện tránh thai chỉ ưu tiên cấp cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các gia đình ở những nơi có mức sinh cao; ngoài ra, các đối tượng khác đều không được cấp miễn phí. Trong khi đó, Vân Canh là huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế; đa số người dân chưa tự nguyện chi tiền mua và sử dụng các biện pháp tránh thai tiên tiến để thực hiện KHHGĐ. Ngoài ra, một số thanh, thiếu niên ở độ tuổi đi học do học lực yếu, bỏ học giữa chừng, sau đó lấy chồng, lấy vợ sớm; trong khi đó cha, mẹ cũng không giáo dục, ngăn cản.
Mặt khác, nhiều gia đình còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; cá biệt, có gia đình đảng viên chấp nhận kỷ luật để sinh con thứ 3 với mong muốn có con trai “nối dõi tông đường”. Một số gia đình còn tư tưởng ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước nên không muốn thoát nghèo bằng cách... sinh nhiều con. Chị Măng Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh, cho biết: “Chỉ chênh nhau 1.000 đồng mà hộ nghèo được ưu tiên hơn hộ cận nghèo rất nhiều nên một số gia đình muốn sinh nhiều con để được vào diện hộ nghèo, được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước”.
Ngoài ra, do có sự thay đổi trong công tác tổ chức của ngành DS, đội ngũ cán bộ chuyên trách DS tại một số xã chưa ổn định, một số nhân viên DS tuổi đời còn trẻ, chưa có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền DS-KHHGĐ nên còn ngại ngần khi truyền thông trong các buổi sinh hoạt tại thôn, làng hoặc tại hộ gia đình. Công tác phối hợp liên ngành trong việc tuyên truyền, giáo dục có nơi chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ; một bộ phận cán bộ, nhân dân hiểu sai về công tác DS…
Cần quyết liệt vào cuộc
Thực trạng tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỉ lệ tảo hôn năm sau luôn cao hơn năm trước đã và đang đặt ra cho ngành chức năng của huyện Vân Canh nhiều thách thức lớn cần sớm tháo gỡ. Trước mắt, để từng bước đưa công tác DS-KHHGĐ trở lại “quỹ đạo”, lãnh đạo huyện và ngành chức năng huyện Vân Canh tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền; đưa công tác DS-KHHGĐ vào nội dung thi đua của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách DS thông qua công tác tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra giám sát.
Bà Trần Thị Ngọc Như, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vân Canh, cho biết: Với chủ đề Ngày dân số thế giới năm 2014 là “Đầu tư cho thanh niên”, Trung tâm đã phối hợp cùng Huyện đoàn đẩy mạnh công tác truyền thông về nâng cao chất lượng dân số; vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; bình đẳng giới; phòng, chống tảo hôn; tổ chức giáo dục, tư vấn sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên trong hệ thống các trường học… Qua đó, phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu các biện pháp tránh thai, giảm mức sinh, giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tình trạng tảo hôn và mất cân bằng giới tính khi sinh; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống trong mỗi gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
CÔNG LUẬN - ĐỖ HẠNH