Ngành sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất vượt khó
Toàn tỉnh có 140 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất xuất khẩu. Trong tình thế nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm giải pháp hợp lý hóa sản xuất, tìm thêm thị trường, xúc tiến thương mại… để duy trì sản xuất, việc làm cho người lao động.
Theo đại diện nhiều DN sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất xuất khẩu trong tỉnh, tình trạng lạm phát, lãi suất tăng dẫn đến hàng tồn kho ở các nhà bán lẻ tại nhiều thị trường quốc tế còn khá cao, khiến nhu cầu nhập khẩu sản phẩm xuống thấp, điều này làm trong 6 tháng đầu năm 2023, các DN sản xuất ở Việt Nam tạm thời không có hoặc có rất ít đơn hàng.
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH Nội ngoại thất Gia Hân, cho biết: Do không khai thác được đơn hàng mới, từ cuối tháng 12.2022 đến nay, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Công ty cố gắng giữ chân công nhân bằng cách sắp xếp làm việc xoay vòng mỗi người làm 10 ngày/tháng cho hơn 100 người. Phương án này được toàn bộ công nhân thống nhất, coi như cùng nhau chia sẻ khó khăn, tiếp tục làm việc theo sự sắp xếp của công ty. Nhiều khả năng đến đầu tháng 6.2023, công ty chúng tôi sẽ có đơn hàng mới, khi đó tình hình sẽ khá hơn.
Hiện ngành sản xuất đồ gỗ nội thất của Bình Định đứng thứ 3 tại Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng ngành hàng này vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 947 triệu USD, chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tạo việc làm ổn định cho hơn 30.000 lao động.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, ước trong quý I/2023, sản lượng sản phẩm bàn, ghế gỗ các loại giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Bằng cách tổ chức lại sản xuất, các DN sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cố gắng duy trì hoạt động, một số DN không khai thác được đơn hàng mới buộc phải sản xuất cầm chừng.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh, cho biết: Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng phải khẳng định ngành sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất vẫn có cơ hội để phát triển. Điều quan trọng là các DN phải nỗ lực tổ chức sản xuất sao cho phù hợp, chủ động xoay chuyển tình thế bằng các hoạt động như xúc tiến thương mại, đẩy mạnh sử dụng gỗ nguyên liệu nội địa; áp dụng KHKT nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất… Hiệp hội vẫn cố gắng bám sát tình hình thị trường để đưa ra phân tích, kiến nghị, định hướng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ… các DN thành viên.
Theo thông tin mới cập nhật, lượng hàng tồn trước đó tại các thị trường lớn (EU, Mỹ) cơ bản đã được giải phóng gần hết nên các nhà nhập khẩu bắt đầu nhập hàng trở lại. Bên cạnh đó, phí vận chuyển hàng hóa trên thế giới đang giảm sâu cũng là động lực thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ. Trước đây, một container đồ gỗ nội thất (loại 40 feet) vận chuyển từ Việt Nam đi Mỹ có mức phí từ 20.000 - 22.000 USD thì nay giảm hơn 10 lần. Việc giảm cước vận tải biển quốc tế giúp cho DN mạnh dạn hơn trong tìm thị trường thay vì co hẹp lại để bảo toàn nguồn vốn. Để đạt mục tiêu của năm 2023, các DN ngành đồ gỗ nội thất nên đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ quốc tế, tìm kiếm thị trường mới hoặc các đơn hàng nhỏ lẻ từ các thị trường truyền thống…
Cuối tháng 2 này, Hiệp hội cùng 12 DN gỗ lớn ở tỉnh như: Tiến Đạt, Thành Hưng, Hoàng Hương, Phú Tài, PISICO… tham gia Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ & nội thất - HawaExpo 2023 do công ty Viforest Fair của 5 hiệp hội VIFOREST, HAWA, BIFA, DOWA, FPA tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Hội chợ có quy mô 1.600 gian hàng, gần 200 DN tham gia, cùng hàng loạt hoạt động kết nối giao thương. Hội chợ còn triển khai các tour tham quan nhà máy cho nhà mua hàng quốc tế, giúp họ có thêm cơ hội tiếp cận trực tiếp, đánh giá quy mô của các nhà máy sản xuất lớn tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tạo điều kiện hỗ trợ, phối hợp tổ chức đoàn xúc tiến thương mại sang thị trường Úc, Hàn Quốc năm 2023 và chuẩn bị tổ chức Hội chợ Quốc tế đồ gỗ tại Bình Định vào năm 2024; đồng thời, tổ chức các hội thảo về phát triển các sản phẩm đồ gỗ nội thất, hội thảo về các máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất mới. Tổ chức các chương trình hỗ trợ DN, trong đó tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Sở Công Thương đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển thị trường tiêu dùng trực tuyến để tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống.
HẢI YẾN