Hố thiêng trong kiến trúc đền tháp Champa Bình Ðịnh
Để tiến hành xây dựng các ngôi đền, tháp, người Champa xưa rất kỹ lưỡng trong việc chọn địa điểm xây dựng cũng như tuân thủ chặt chẽ các nghi thức tôn giáo liên quan đến công trình. Sau nghi thức đặt viên gạch đầu tiên là đến nghi thức đặt kho thiêng (còn gọi là hố thiêng) - là nơi đặt các vật quý không chỉ nhằm dâng tặng thần linh mà có ý nghĩa như sự ký gửi để cầu nguyện cho sự sung túc. Nhiều nhà nghiên cứu còn dùng từ “kho thiêng” để chỉ những vật phẩm đặt trong lòng tháp với mục đích ký thác cho thần linh nhằm cầu xin sự bảo trợ, ban phúc cho muôn dân và vương quốc. Cũng có khi kho thiêng lại được gọi theo cách khác là “kho ký cúng”, hay “kho báu vừa ký thác vừa dâng cúng”. Theo quan niệm của người Chăm, ngôi tháp như là một cơ thể sống, kho ký cúng là nguồn sinh khí.
Hố thiêng của một ngôi đền thờ Champa thế kỷ IV - VI phát hiện trong cuộc khai quật Di tích Thành Cha. Ảnh: N.V. TUẤN
Tại Bình Định, qua các cuộc khai quật phế tích tháp Champa đã phát hiện được ít nhất là ba hố thiêng, tuy nhiên tất cả hố thiêng này đều đã bị đào phá từ trước đó để lấy đi các vật quý ở bên trong.
Hố thiêng thứ nhất được phát lộ trong cuộc khai quật Thành Cha năm 2015. Đây là hố thiêng của một ngôi đền kiến trúc lợp ngói đã bị sụp đổ, có niên đại khoảng thế kỷ IV - VI. Hố thiêng đã bị đào phá từ trước, bằng chứng là các lớp gạch quanh hố thiêng đã bị xáo trộn hoặc bị mất. Hố thiêng ở đền thờ này có dạng hình vuông, vách hố được ghép bằng nhiều lớp gạch theo phương thẳng đứng. Do đã bị đào phá nên không xác định được cấu trúc bên trong và các di vật đi kèm.
Hố thiêng thứ hai được phát hiện trong cuộc khai quật phế tích tháp Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước năm 2019. Đây là một phế tích tháp được xây dựng trên một quả đồi cao gần 100 m nên nền móng kiến trúc được bảo quản tương đối tốt. Tuy nhiên, ở vị trí trung tâm của nền móng kiến trúc lại bị đào phá nhiều, trong đó có kiến trúc hố thiêng. Mặc dù di vật trong hố thiêng đã bị đào phá, lấy đi hết, nhưng kiến trúc vách hố thiêng thì còn khá nguyên vẹn, chỉ bị xáo trộn một vài chỗ. Kích thước hố thiêng ở đây tương đối lớn, với chiều dài cạnh trên cùng hơn 2 m, sau đó giật cấp, thu nhỏ dần xuống đáy. Thành hố được xây vát taluy bằng gạch bìa, trong lòng hố chứa rất nhiều cát sông mịn, sạch. Cách xử lý hố thiêng dạng này vẫn thường gặp trong các kiến trúc đền tháp Champa mang phong cách Bình Định thế kỷ XII - XIII.
Hố thiêng thứ ba được phát hiện trong cuộc khai quật phế tích tháp Châu Thành, phường Nhơn Thành, TX An Nhơn năm 2020. Hố thiêng này thuộc kiến trúc của một ngôi đền có niên đại khoảng thế kỷ III - IV, gắn với tục thờ đá cổ xưa của người Chăm. Chính vì vậy, ngay chính giữa hố thiêng là một tảng đá tự nhiên khá lớn, có hình thù khác lạ, được cho là hòn đá thiêng và được cư dân Champa cổ tôn thờ.
Việc phát hiện các hố thiêng tại những phế tích đền tháp Champa ở Bình Định từ giai đoạn sớm khoảng thế kỷ III - IV, đến giai đoạn muộn khoảng thế kỷ XII - XIII, phản ánh một nghi thức tôn nghiêm trong quá trình xây dựng đền tháp của người Champa được duy trì trong suốt chiều dài lịch sử của vương quốc.
NGUYỄN VIẾT TUẤN