Ðề cương mở đường cho văn hóa phát triển
Ra đời cách đây 80 năm, Ðề cương Văn hóa Việt Nam 1943 là cương lĩnh đầu tiên của Ðảng về văn hóa, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển, để văn hóa thật sự “soi đường cho quốc dân đi”.
Diễn ra từ ngày 25 - 28.2.1943, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng đã bàn biện pháp đối phó với tình hình thực tế, quyết tâm đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước, tiến tới chặn đứng và đập tan âm mưu, thủ đoạn xâm lược của phát xít Nhật và thực dân Pháp.
Tổng Bí thư Trường Chinh là người soạn thảo Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943. Ảnh tư liệu
Đáng chú ý, Đảng nhận định: Trong lúc này, phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hóa, văn nghệ để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc nhằm chống lại văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu và thủ đoạn “trói buộc văn hóa và giết chết văn hóa Việt Nam” của quân phát xít và thực dân... Đề cương Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được công bố năm 1943 đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử.
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 gồm 5 phần: “Cách đặt vấn đề”, “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”, “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”, “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam”, “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”.
Đề cương thể hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc.
Thứ nhất, xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN. Đề cương nêu rõ: văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa.
Thứ hai, cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo. Trên cơ sở chỉ rõ tính chất văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, Đề cương chỉ rõ những nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật - Pháp; những thủ đoạn của Nhật - Pháp trói buộc và giết chết văn hóa Việt Nam; dự kiến về tiền đồ văn hóa Việt Nam.
Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa, “cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.
Thứ ba, để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa.
Theo đó, dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Đại chúng hóa là chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng; con người phải là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động văn hóa. Khoa học hóa là chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ; biết bảo tồn, chắt lọc những nét đẹp truyền thống dân tộc; chống những cái cũ kĩ, lạc hậu, dị đoan.
Ba nguyên tắc xuyên suốt góp phần tạo nên sự chuyển động về nhận thức, hành động trong hoạt động văn hóa của đất nước ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.
Thứ tư, để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống”.
Cụ thể, Đề cương nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít là phải chống lại văn hóa phát xít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân.
Đồng thời, phát huy văn hóa dân chủ thông qua việc tranh đấu bảo vệ học thuyết, tư tưởng, làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng; tranh đấu về tông phái văn nghệ, chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng... làm cho xu hướng tả thực XHCN thắng; tranh đấu về tiếng nói, chữ viết, thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói, xác định phong cách văn Việt Nam, cải cách chữ quốc ngữ…
* * *
Kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam được công bố là dịp để chúng ta nhìn lại và đánh giá khách quan, đầy đủ hơn vai trò, giá trị to lớn của Đề cương đối với công cuộc xây dựng văn hóa nước nhà. Trên cơ sở đó, càng ra sức giữ gìn, phát huy và phát triển giá trị của Đề cương trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.
Để xây dựng và tiếp tục phát triển nền văn hóa Việt Nam, nhất định phải thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đặc biệt là quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; cùng nội dung bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021.
MAI LÂM