Tây Sơn: Khu chăn nuôi heo tập trung ảnh hưởng cuộc sống người dân
Người dân ở xóm 4 (thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận) và xóm 1 (thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) phản ánh: Nhiều năm nay, họ thường xuyên bị tác động tiêu cực từ hoạt động chăn nuôi heo tại khu chăn nuôi tập trung thôn Mỹ Thạch.
Ảnh hưởng đầu tiên là phải “sống chung” với mùi hôi thối phát ra từ khu chăn nuôi heo tập trung. Kế đến là tình trạng nguồn nước bắt nguồn từ khu chăn nuôi tập trung chảy ra khu vực đất sản xuất lúa ở lân cận; khiến chất lượng đất bị ảnh hưởng; người dân không thể canh tác, sản xuất lúa, hoặc canh tác được nhưng khi trổ bông lúa bị lép, không có hạt. Cuối cùng là nguy cơ ô nhiễm mạch nước ngầm tại đây luôn ở mức cao.
Khu trại chăn nuôi heo tập trung nằm gần khu dân cư ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Ảnh: V.L
Ông Mai Văn Phu, Trưởng thôn Hòa Mỹ, cho hay: Các trại chăn nuôi heo nằm cách khu dân cư xóm 4 (thôn Hòa Mỹ) chỉ tầm 200 m. Khoảng cách quá gần, trong khi lượng heo nuôi tại mỗi trại quá lớn, trung bình hơn 1.000 con/trại. Các chủ trại đã xây dựng hệ thống hầm biogas và xử lý nước thải; nhưng mùi hôi phát sinh vẫn nồng nặc, nhất là lúc vệ sinh chuồng trại.
Còn theo ông Tạ Văn Thạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, người dân xóm 4 (thôn Hòa Mỹ) nhiều lần kiến nghị; nhưng UBND xã cũng chỉ dừng ở mức ghi nhận, rồi phản ảnh lên cấp trên; do các trại chăn nuôi heo nằm ở địa bàn xã Bình Tân. Địa phương mong các cấp, các ngành liên quan có giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của khu chăn nuôi heo tập trung đến cuộc sống người dân.
Qua tìm hiểu được biết, hiện có 5 hộ xây dựng chuồng trại quy mô lớn, kiên cố để chăn nuôi heo tập trung tại thôn Mỹ Thạch. Điểm chăn nuôi heo tập trung này đi vào hoạt động từ năm 2014.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Bình Tân, đến nay, các hộ tại khu chăn nuôi heo tập trung đều đã lập đề án bảo vệ môi trường và được cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, nơi đây chưa có khu xử lý nước thải chung, mỗi hộ tự xây dựng hệ thống xử lý riêng. Lượng heo nuôi tại từng trại cũng giảm, nhưng quá trình chăn nuôi vẫn ảnh hưởng ít nhiều đến các gia đình ở khu vực lân cận, nhất là mùi hôi.
“UBND xã sẽ mời các hộ chăn nuôi làm việc, nhắc nhở nâng cao hơn nữa việc bảo vệ môi trường; nhất là xử lý mùi hôi và nước thải”, ông Thành cho biết thêm.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tây Sơn, trước đây, cấp thẩm quyền của tỉnh từng xử phạt 2 hộ tại khu chăn nuôi heo tập trung ở thôn Mỹ Thạch do chưa đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Sau đó, 2 hộ này và các hộ chăn nuôi khác chấp hành theo đúng yêu cầu của ngành chức năng và cơ quan chuyên môn trong công tác bảo vệ môi trường.
Tới đây, Phòng TN&MT huyện Tây Sơn sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, nhắc nhở các hộ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, kịp thời khắc phục bất cập nảy sinh trong quá trình chăn nuôi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
VĂN LỰC