Thủ tướng: Tất cả đại sứ quán Việt Nam phải mở visa điện tử
Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Ngoại giao phải kiểm tra việc thực hiện mở visa điện tử, nếu đại sứ nào không làm thì xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong hội nghị về ngoại giao kinh tế tối 9.3 với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, 94 đại sứ và trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng lãnh đạo một số hiệp hội doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị về ngoại giao kinh tế tối 9.3 - Ảnh: Chinhphu.vn
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận cách triển khai hiệu quả chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế trong năm 2023.
Xử lý đại sứ không mở visa điện tử
Trong phần phát biểu kết luận, với các ngành kinh tế đối ngoại, Thủ tướng yêu cầu phải đặc biệt thúc đẩy du lịch quốc tế và xuất khẩu lao động. Phải tận dụng xu hướng mở cửa trở lại của các nước đối tác và nhu cầu lao động tại một số thị trường.
Ông cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng cơ quan xuất nhập cảnh phải gắn kết hơn nữa vì lợi ích chung của đất nước.
Về vấn đề thị thực (visa), Thủ tướng cho biết đã có nhiều chỉ đạo phải khẩn trương sửa Luật xuất nhập cảnh với người nước ngoài và tham khảo các nước trong việc mở cửa.
Ông nhấn mạnh tất cả các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài phải phối hợp mở visa điện tử và thông báo việc này với nước sở tại.
Bộ Ngoại giao phải kiểm tra việc thực hiện, nếu đại sứ nào không làm thì phải bị kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thủ tướng đặt vấn đề tại sao du lịch Việt Nam lại "đi trước về sau" khi chúng ta mở cửa sau dịch Covid-19 thuộc hàng sớm nhất nhưng du lịch lại đang chậm chân so với nước khác.
Ông đặt câu hỏi cần phải xem nguyên nhân ở đâu, có phải nằm ở khâu visa, quảng bá và xúc tiến du lịch hay đường bay hay không.
Ngoài visa, Thủ tướng cũng yêu cầu thúc đẩy xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới.
Tăng ký kết FTA, đa dạng hóa sản phẩm
Theo Thủ tướng, hiện nay thị trường, chuỗi cung ứng bị thu hẹp, cạnh tranh chiến lược phức tạp, do đó phải đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Sản phẩm của Việt Nam muốn cạnh tranh hơn nữa thì phải đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu thúc đẩy ký kết FTA (Hiệp định thương mại tự do) với Israel, đàm phán FTA với Ấn Độ và nghiên cứu thiết lập các khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại lâu dài, ổn định với các đối tác tiềm năng.
Trước đó tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội trong năm 2022, các nội dung về hợp tác kinh tế đã được thúc đẩy mạnh mẽ với hơn 150 văn kiện hợp tác ký kết.
Điều này đã góp phần thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
(Theo TTO)