Công bố báo cáo về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
Theo thông tin thống kê, tính đến tháng 2.2023, Việt Nam đã thu hút được 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 440 tỷ USD.
Sáng 10.3, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã chính thức công bố Báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2022.
Công nhân Công ty TNHH Telstar Việt Nam, Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang (vốn đầu tư của Anh) trong dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)
Báo cáo do Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIA làm chủ biên, được xây dựng từ các tư liệu của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng Thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
Những năm qua, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Để nâng cao chất lượng dòng vốn quan trọng này, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đã được Chính phủ ban hành, nhằm tập trung thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn vào tăng trưởng kinh tế và có tác động lan tỏa đến doanh nghiệp trong nước.
Nhận thức rõ vai trò của thông tin với hoạt động đầu tư nước ngoài, từ năm 2021, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã nghiên cứu và công bố báo cáo thường niên về FDI, nhằm cập nhật xu hướng đầu tư trên thế giới và khu vực, cung cấp cho các nhà đầu tư, cơ quan nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách về bức tranh toàn cảnh, khách quan về hoạt động FDI cũng như môi trường đầu tư, từ đó hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Để thực hiện hiệu quả định hướng thu hút FDI, báo cáo cho rằng Việt Nam cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.
Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, pháp luật, trong đó có việc nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu, xử lý tốt quan hệ nội lực với ngoại lực; hiện đại hóa hạ tầng kinh tế-xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia... là các giải pháp chính được đề xuất để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI năm 2023 và những năm tiếp theo.
Trong quá trình soạn thảo báo cáo, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đã tiến hành khảo sát 10 địa phương thu hút, sử dụng vốn FDI có hiệu quả kinh tế-xã hội cao để đánh giá, nghiên cứu và rút ra những bài học, tìm ra cơ hội, thách thức của Việt Nam trong nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn FDI.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện báo cáo, VAFIE cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuế và Tư vấn KPMG, doanh nghiệp này đã gửi phiếu điều tra đến nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, giúp báo cáo có những nhìn nhận khách quan về môi trường đầu tư Việt Nam.
Hay như Tập đoàn FinnGroup đã nghiên cứu và đánh giá sâu về hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập doanh nghiệp) tại Việt Nam, giúp độc giả có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về hình thức đầu tư M&A đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Bình luận về báo cáo thường niên FDI vừa công bố, nhiều đại biểu cho rằng, báo cáo xây dựng và công bố là tài liệu hữu ích cho các nhà đầu tư, cơ quan quản lý và nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư Báo cáo gồm 3 chương, được xuất bản cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh; trong đó, nội trong những nội dung chính của báo cáo là tổng quan về FDI toàn cầu và ASEAN.
Cùng với đó, một số nhận xét, kết luận đáng lưu ý được đưa ra tại chương này là: FDI vào châu Á liên tục gia tăng trong 3 năm liền và đạt mới 619 tỷ USD vào năm 2021.
Bên cạnh đó, FDI vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tăng mạnh, năm 2021 tăng tới 70% so với năm 2020.
Về vấn đề ưu đãi thuế, trong số 100 quốc gia áp dụng ưu đãi thuế thì 39% là miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; 13% khuyến khích tái đầu tư thông qua trợ cấp tín dụng ưu đãi, khấu hao nhanh… nhiều nước đang chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) từ năm 2024…/.
(Theo Thúy Hiền/TTXVN/Vietnam+)