Tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH
Tại Hội nghị đánh giá tình hình KT-XH 2 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 3.2023, diễn ra ngày 10.3, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng lòng vượt khó vươn lên.
Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, KT-XH tỉnh Bình Định 2 tháng đầu năm 2023 đã đạt kết quả quan trọng. Tuy vậy, ở từng ngành, lĩnh vực còn có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn từ các cấp, các ngành và địa phương.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: TIẾN SỸ
Thuận lợi, khó khăn đan xen
Thông tin từ Hội nghị cho thấy, KT-XH 2 tháng đầu năm 2023 tiếp tục duy trì và phát triển, có những điểm sáng đáng mừng, nhưng tại từng ngành, từng lĩnh vực vẫn còn có nhiều vấn đề đáng lo.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Cây trồng vụ Đông Xuân đang phát triển khá tốt, hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Ngành chăn nuôi cũng chuyển biến tích cực, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá so với cùng kỳ năm trước, nhưng riêng đàn heo của tỉnh lại giảm 1,7%. Nguyên nhân là đầu ra sản phẩm giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nên nhiều người hạn chế quy mô chăn nuôi. Ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản cũng đạt kết quả khả quan; sản lượng khai thác trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 34.716 tấn, tăng 2,8%, song sản lượng cá ngừ đại dương giảm 12,4%; tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp bị tác động lớn bởi tình hình thế giới. Theo ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, hiện nhiều DN của nhiều nhóm ngành sản xuất đang nỗ lực duy trì được tốc độ tăng trưởng, trong đó ấn tượng nhất là ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng trưởng 35,08% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là ngành sản xuất trang phục tăng trưởng gần 20%. Tuy vậy, có nhiều ngành hàng chủ lực của tỉnh, có giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp quan trọng vào ngân sách nhưng lại giảm sâu, như: Ngành sản xuất, xuất khẩu giường, tủ, bàn, ghế; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy… .
2 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 dự án của các DN trong nước với tổng vốn đầu tư trên 6.336 tỷ đồng. Tuy vậy, phần lớn các dự án có quy mô nhỏ, không đủ khả năng tạo đột phá thúc đẩy kinh tế phát triển. Dù tỉnh đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến đầu tư tại thị trường các nước phát triển, nhưng từ đầu năm đến nay vẫn chưa thu hút được dự án nào từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, ngành du lịch, dịch vụ cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ. 2 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã đón 954.130 lượt khách du lịch, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu từ khách du lịch đạt 1.979 tỷ đồng, tăng 103,5%.
Kinh tế phát triển không đều giữa các ngành, lĩnh vực đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách của tỉnh. Tổng thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2023 là hơn 1.573 tỷ đồng, đạt 11,5% dự toán năm, giảm 42,3% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho hay: Có 9/17 khoản thu, sắc thuế đảm bảo mức tăng trưởng thu, nhưng cũng có đến 8/17 khoản thu, sắc thuế giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khoản thu từ tiền sử dụng đất giảm 79,6%; tiền thuê đất, mặt nước giảm 73,9%; tiền bán nhà giảm 62,9%; thuế bảo vệ môi trường giảm 58,8%. Nhiều khoản thu, sắc thuế giảm mạnh chủ yếu là do hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp khó khăn và việc thực hiện chính sách giảm nhiều sắc thuế cho người nộp thuế.
Sản xuất kinh doanh thuận lợi, Công ty TNHH B&Đ Lingerie Việt Nam (Khu kinh tế Nhơn Hội) chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu có doanh thu khá cao. Ảnh: TIẾN SỸ
Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển KT-XH
Sau khi phân tích, đánh giá tình hình phát triển KT-XH của tỉnh trong 2 tháng đầu năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị bền vững. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP. Cùng với đó là phát triển diện tích rừng gỗ lớn, gắn với công tác quản lý, bảo vệ, PCCC rừng. Bên cạnh đó, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Các sở, ngành, địa phương cũng cần tích cực hơn nữa trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp DN duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu.
Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng và Lâm Hải Giang cũng yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư. Chú trọng đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đã đạt kết quả tích cực nhất định, tạo tiền đề, động lực để tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch của cả năm 2023. Tuy vậy, ở mỗi lĩnh vực đều có những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, nỗ lực quyết tâm, sáng tạo của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng DN và người dân.
Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, đồng chí Phạm Anh Tuấn yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã được UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, địa phương, có giải pháp cụ thể. Sở NN&PTNT tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, không để xảy ra tình trạng xâm phạm vùng biển nước ngoài; quan tâm đến công tác quản lý, phát huy hiệu quả các công trình nước sạch sau đầu tư; bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn. Rà soát luồng vào đầm Thị Nại để chuẩn bị cho việc đón khách du lịch. Sở Công Thương giải quyết khó khăn cho DN, người dân, nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Sở Xây dựng tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ những khó khăn trên lĩnh vực bất động sản. Sở KH&ĐT, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh tập trung công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến Bình Định tìm hiểu, hợp tác đầu tư và thực hiện các dự án. Cùng với đó, chú trọng đến việc đảm bảo hệ thống dữ liệu của cả tỉnh, các dự án đầu tư và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn cũng lưu ý Sở Tài chính quan tâm đến công tác thu ngân sách, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và đấu giá quyền sử dụng đất. Sở TT&TT chịu trách nhiệm về công tác chuyển đổi số, xây dựng và chia sẻ dữ liệu cho các sở, ngành, địa phương. Sở GTVT chú trọng đến công tác quản lý, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông. Sở Du lịch tập trung triển khai các hoạt động du lịch; tăng cường hợp tác với các DN, các tỉnh trong nước để thúc đẩy phát triển du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ du lịch. Ban quản lý các dự án tập trung triển khai các dự án, đảm bảo chất lượng công trình. Các sở: Y tế, LĐ-TB&XH chăm lo sức khỏe, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.
Đối với các địa phương, đồng chí Phạm Anh Tuấn lưu ý phải vận hành việc điều hành phát triển KT-XH bằng các dữ liệu và triển khai đến tận xã; tập trung cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, chủ động giải quyết công việc; xác định điểm mạnh, lợi thế từ đó có những giải pháp tạo ra đột phá tại địa phương mình. Bên cạnh đó, quan tâm đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại địa phương; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án gắn với việc giải ngân vốn đầu tư công.
PHẠM TIẾN SỸ