Ðồng hành với thanh niên phát triển kinh tế
Năm 2014, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Nguyễn Ngọc Tráng (SN 1992, ở thôn Thủ Thiện Hạ, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) làm nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống, nhưng vẫn khó khăn đủ bề.
Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, cuối năm 2019, nhận thấy tiềm năng phát triển từ mô hình trồng măng tây, trên mảnh đất vườn của gia đình, anh Tráng đầu tư 50 triệu đồng tiền tiết kiệm để cải tạo đất và nhập cây giống về ươm, trồng. Đất không phụ lòng người, anh Tráng thành công bước đầu và thu hoạch sản phẩm ưng ý. Năm 2020 và 2022, anh được Đoàn thanh niên địa phương hướng dẫn vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH với tổng số tiền 130 triệu đồng để mở rộng trồng măng tây.
Anh Nguyễn Ngọc Tráng (trái) giới thiệu mô hình trồng măng tây. Ảnh: D.Đ
Anh Tráng cho biết: “Hiện nay, mỗi ngày tôi thu hoạch được 10 kg măng tây bán cho các nhà hàng, siêu thị trong tỉnh, với giá 120 - 150 nghìn đồng/kg. Mỗi tháng 3 sào măng tây cho thu hoạch 1,5 tạ; lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng”.
Cũng theo anh Tráng, trồng măng tây không phải lo thị trường; nhiều nhà hàng, siêu thị đặt mua với số lượng lớn nhưng anh chưa đủ sản lượng để cung cấp. Thời gian tới, anh sẽ làm thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP và vay vốn từ Quỹ hỗ trợ thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp để có điều kiện mở rộng sản xuất.
Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của ĐVTN trên địa bàn huyện Tây Sơn diễn ra sôi nổi, hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ mang lại hiệu quả cao, như mô hình trồng cây măng tây, nuôi heo thịt, sản xuất viên nén phân trùn quế, bánh canh rau củ, dầu đậu phộng, nem chua…
Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện đoàn Tây Sơn đã duy trì 15 CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế. Trong năm 2022, Huyện đoàn đã tổ chức 10 lượt giao lưu, tham quan học tập kinh nghiệm giữa các mô hình phát triển kinh tế; mở 27 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi cho 10.900 lượt ĐVTN; hỗ trợ 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP… Ngoài ra, phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục cho ĐVTN vay vốn, nâng tổng dư nợ trên 52 tỷ đồng với 1.043 hộ vay.
Theo Bí thư Huyện đoàn Tây Sơn Cao Thị Tường Sinh, thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện đoàn sẽ làm tốt công tác tuyên truyền về dạy nghề và giải quyết việc làm cho ĐVTN; tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, tiếp cận các nguồn vốn mới cho thanh niên khởi nghiệp; thành lập các mô hình điểm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…
DUY ÐĂNG