Nhức nhối tình trạng băng nhóm đánh nhau bằng hung khí
Gần đây, trên địa bàn tỉnh nổi lên tình trạng băng nhóm giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí với tính chất manh động và nguy hiểm.
Giữa hai bên có mâu thuẫn cá nhân, Trần Công Sĩ (SN 1992, ở TP Quy Nhơn) từng bạt tai Nguyễn Duy Khương (SN 1995, ở huyện Tuy Phước), đó là lý do dẫn đến sự việc sáng 28.2, Khương mang súng bắn đạn bi bắn Sĩ ngay tại ngã tư Phan Đình Phùng - Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn). Rất may không ai bị trúng đạn, nhưng hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình trong quần chúng. Chỉ 14 giờ sau, CA đã bắt khẩn cấp các đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, CA huyện Tây Sơn cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 bị can về hành vi cố ý gây thương tích. Đêm 14.1, Hồ Chí Đức (SN 2004) cùng nhóm bạn (đều ở xã Bình Nghi) ăn nhậu tại nhà Đức; nhớ đến việc từng bị Nguyễn Công Lập (SN 2003, ở xã Tây Phú) đánh, cả bọn nhắn tin hẹn gặp Lập ở quảng trường trước Bảo tàng Quang Trung để giải quyết mâu thuẫn. Sau khi thống nhất đi đánh nhau, Đức gọi thêm đồng bọn mang theo các loại hung khí như dao, kiếm đến điểm hẹn. Tại đây, hai bên dùng hung khí mang theo lao vào ẩu đả, đuổi đánh nhau, khiến 3 người bị thương.
Công an kịp thời ngăn chặn các đối tượng mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn trên địa bàn xã Phước An, huyện Tuy Phước. Ảnh: CA xã Phước An
Đây chỉ là 2 trong hàng chục vụ việc băng nhóm giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng phạm tội có khi là bạn bè, người thân với bị hại hoặc không quen biết; mâu thuẫn phát sinh từ bàn nhậu hoặc trong cuộc sống hằng ngày.
Trong các vụ việc xâm hại sức khỏe, tính mạng người khác, các đối tượng thường manh động, hành động rất côn đồ. Theo ông Đỗ Văn Quý, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Viện KSND tỉnh), việc tụ tập băng nhóm, sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn không phải mới. “Tuy nhiên, trước đây chủ yếu đánh lén, đánh bất ngờ; nay các đối tượng lại chuẩn bị hung khí để thanh toán lẫn nhau một cách có chủ đích. Điều này cho thấy sự manh động, côn đồ của tội phạm. Trong từng vụ án, không phải bị cáo nào cũng gây ra thương tích cho nạn nhân, nhưng các đối tượng cùng tham gia đều bị khởi tố, điều tra chung cùng hành vi phạm tội”, ông Quý nói.
Thượng tá Trương Văn Phụng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh), nhận định, các đối tượng mâu thuẫn, hiềm khích nhau, rồi rủ rê người khác sử dụng hung khí nguy hiểm để “xử lý” đối phương chủ yếu mang tính bộc phát, tuy nhiên khi hành động lại rất liều lĩnh, sử dụng kết hợp nhiều loại hung khí. “Để ngăn ngừa tình trạng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, lực lượng CA chú trọng công tác bám địa bàn, đối tượng, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ như tuần tra, kiểm soát tại các khu dân cư, lưu ý những địa bàn phức tạp. Đồng thời, gọi hỏi, răn đe những thành phần bất hảo, kiểm tra đột xuất, thu hồi dao, kiếm, mã tấu... nhằm ngăn chặn ngay từ đầu tội cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người”, thượng tá Phụng cho hay.
KIỀU ANH