Giá xăng dầu có khả năng tăng nhẹ trong kỳ điều chỉnh ngày 13.3
Theo nhận định giá xăng dầu trong kỳ điều hành lần này có thể tăng nhẹ từ 100 - 200 đồng/lít, nếu cơ quan điều hành không trích lập hoặc chi mạnh Quỹ Bình ổn, giá xăng dầu có thể tiếp tục giảm hoặc giữ nguyên.
Theo chu kỳ 10 ngày, hôm nay (11.3), liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ thông báo điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do trùng vào ngày nghỉ cuối tuần nên lịch điều chỉnh sẽ dời sang ngày thứ Hai tuần tới (13.3).
Giá xăng dầu trên thị trường thế giới 10 ngày qua có xu hướng tăng, dự báo sẽ tác động đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương đến ngày 6.3 cho thấy, giá xăng trên thị trường Singapore trong 10 ngày qua tăng tương đối mạnh so với kỳ điều hành ngày 1.3. Trong 2 phiên giao dịch gần nhất (ngày 8 – 9.3), giá xăng tại Singapore đã có đà giảm nhưng vẫn cao hơn so với kỳ điều hành trước. Theo đó, giá xăng RON92 đã tăng lên 98,72 USD/thùng, xăng 95 tăng lên 102,46 USD/thùng. Các loại dầu hỏa tăng lên 107,75 USD/thùng, diesel tăng lên 106,36 USD/thùng và dầu mazut lên 461,87 USD/tấn.
Theo nhận định của đại diện một số DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, với xu hướng tăng tại thị trường nhập khẩu, giá xăng dầu trong kỳ điều hành lần này có thể tăng nhẹ từ 100 - 200 đồng/lít. Trường hợp cơ quan điều hành không trích lập hoặc chi mạnh quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể tiếp tục giảm hoặc giữ nguyên.
Tại kỳ điều hành giá gần nhất (ngày 1.3), giá xăng RON95 giảm 120 đồng/lít về mức 23.320 đồng/lít. Giá xăng E5RON92 giảm 120 đồng/lít còn 22.420 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 550 đồng/lít và có giá bán 20.250 đồng/lít ; giá dầu hỏa giảm 370 đồng/lít còn ở mức 20.470 đồng/lít.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, thương nhân phân phối yêu cầu thực hiện một số giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trong đó, Bộ Công Thương yêu cầu các DN đảm bảo kế hoạch nhập khẩu được giao từ đầu năm và lượng nhập khẩu giao bổ sung ngày 24.2.2023. Các đầu mối cũng phải công bố nguồn hàng nhập và xuất bán cho thị trường tại website của DN và có báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 20 hàng tháng.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các DN đầu mối, thương nhân điều chỉnh chiết khấu một cách hợp lý để bảo đảm không bị gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Thương nhân cấp hàng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định nếu để cửa hàng bán lẻ xăng dầu nào thiếu hàng để bán./.
(Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN)