TS Lê Thị Kim Nga: Khát khao cống hiến lớn hơn tất thảy !
Gần 10 năm gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu, TS Lê Thị Kim Nga (giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng KH&CN, Trường ÐH Quy Nhơn) luôn mong muốn tạo ra những sản phẩm hiện đại, có tính ứng dụng cao, phục vụ tốt hơn cho đời sống. “Kim chỉ nam” ấy giúp chị nuôi dưỡng đam mê, vượt nhiều khó khăn để tiếp tục hành trình khám phá khoa học.
Say mê cống hiến
● Vì sao chị chọn nghiên cứu ứng dụng - ngành khó và vất vả? Lĩnh vực nào được chị xem là trọng tâm?
- Tôi chọn nghiên cứu ứng dụng vì mong muốn đóng góp phần nhỏ sức mình để giúp đỡ người dân và địa phương. Điều này đã nung nấu từ khoảng năm 2004, lúc tôi bắt đầu học cao học. Khi đó, IoT, AI, thực tế ảo… đều khá mới lạ nhưng tôi tin những lĩnh vực hiện đại, hướng đến tương lai như vậy có tiềm năng phát triển lâu dài, sâu rộng.
Tôi đã “khoanh vùng” việc ứng dụng những kiến thức trên vào y khoa, giáo dục, nông nghiệp - những lĩnh vực gần gũi nhất trong đời sống, tạo ra những phần mềm hữu ích, phục vụ tốt hơn cho người dân.
Chẳng hạn, đề tài đầu tiên tôi thực hiện năm 2014 là “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý lưu trữ và khai thác dữ liệu chẩn đoán hình ảnh”, xây dựng bộ công cụ về xử lý, tính toán, tạo nên hệ thống lưu trữ toàn bộ dữ liệu hình ảnh, giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh hơn, bệnh nhân cũng tiết kiệm được chi phí, thời gian khám chữa. Hệ thống này đã được triển khai tại TTYT TX An Nhơn, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, BVĐK các tỉnh: Phú Yên, Gia Lai, Bình Phước…
Về nông nghiệp, tôi đã phát triển các đề tài như hệ thống quản trị và sản xuất bò sinh sản, nghiên cứu về GIS trong quản lý nông nghiệp, hệ thống quản lý nhà yến thông minh…
Về giáo dục, nổi bật là phần mềm quản lý và tổ chức thi trực tuyến đang được áp dụng tại Trường ĐH Quy Nhơn.
● Đâu là nguồn cảm hứng của chị để cho ra đời nhiều đề tài đến vậy?
- Tôi cho rằng, đã theo ngành này thì phải luôn suy nghĩ cách giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân. Do đó, tôi quan sát, góp nhặt từ đời sống và đặt ra câu hỏi, nếu mình làm được điều đó thì sẽ có bao nhiêu người được hưởng lợi.
Ví dụ, tôi nhận thấy ngày càng nhiều trường hợp mắc bệnh gan, trong đó có bố tôi. Vốn ở quê, nhà không khá giả nên mỗi lần vào thành phố khám, gia đình tôi phải lo lắng nhiều vấn đề. Tôi nghĩ đến những người dân có điều kiện sống hạn chế, nếu chẳng may mắc bệnh thì việc lên bệnh viện tuyến trung ương để chẩn đoán, điều trị sẽ rất khó khăn.
Nghĩ là làm, tôi đã nghiên cứu, cho ra đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình gan, xác định thể tích và phát hiện bất thường của vùng gan theo chỉ định dựa trên hình ảnh y khoa chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng”, hỗ trợ việc cấy ghép gan, phục vụ tốt hơn cho cả bác sĩ và bệnh nhân.
● Trong nghiên cứu, chị có những nguyên tắc nào?
- Đầu tiên là tính thực tiễn, hiệu quả, phải có định hướng chuyển giao công nghệ, có lợi ích thực sự thì mới triển khai chứ không chỉ là “lý thuyết suông”.
Chẳng hạn, với mong muốn đưa ra giải pháp cho việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, tôi đang ấp ủ đề tài xây dựng hệ thống giám sát việc khai thác thủy sản, góp phần giảm thiểu tình trạng đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp. Hệ thống làm việc bằng cách phối hợp giữa các thiết bị như cân điện tử, hệ thống nhận diện con tàu, các loại cá, quản lý thời gian ra vào cảng của tàu thuyền; giúp giảm bớt việc ghi chép của người dân và đơn vị quản lý. Các bên có thể theo dõi hệ thống này từ xa thuận tiện, dễ dàng.
Thứ hai, tôi yêu cầu bản thân đã làm thì phải nỗ lực làm tốt hơn nữa, đã sử dụng ngân sách làm đề tài phải làm đúng, làm tốt, tránh lãng phí. Phải tận dụng tối đa mọi nguồn lực để phục vụ cho công tác nghiên cứu.
TS Lê Thị Kim Nga trao đổi, hướng dẫn các thành viên của Viện Nghiên cứu Ứng dụng KH&CN (Trường ĐH Quy Nhơn) thực hiện dự án khoa học. Ảnh: D.LINH
Đối diện thử thách
● Trong suốt quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học nữ phải đối mặt với những khó khăn nào?
- Các nhà khoa học gặp một số khó khăn chung như hạ tầng, thiết bị máy móc còn phần nào hạn chế, môi trường thử nghiệm và sự phối hợp giữa các bên liên quan chưa thật sự hiệu quả.
Cụ thể, muốn tạo ra đề tài có thể ứng dụng vào lĩnh vực nào thì cần nắm kiến thức ở lĩnh vực đó. Nhà khoa học có giỏi mấy cũng không thể nắm chắc các từ chuyên môn của những bác sĩ, kỹ sư… Do vậy, chúng tôi cần tự tìm hiểu, đồng thời có sự trợ giúp của các chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể.
Bên cạnh đó, những nhà nghiên cứu nữ như tôi sẽ vất vả hơn nam giới đôi chút vì ngoài đam mê còn phải chăm lo gia đình, người thân. Những chị em có con nhỏ lại càng khó khăn hơn khi vừa “nóng ruột” lo cho con, vừa không thể bỏ bê công việc. Tôi đã từng ở Khánh Hòa 3 tháng liền để thu thập dữ liệu, nắm bắt nghiệp vụ khai thác thủy sản, phục vụ việc nghiên cứu. Nhớ chồng, thương con lắm nhưng đành cố gắng làm xong việc thật sớm để được trở về với mái ấm nhỏ của mình, chứ không thể bỏ dở, lơ là công việc.
● Trước những khó khăn như vậy, có khi nào chị nghĩ đến việc chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn?
- Có chứ! Vừa đi dạy, nghiên cứu cùng việc chịu trách nhiệm cho Viện Nghiên cứu Ứng dụng KH&CN của trường (hiện đang hoạt động theo cơ chế tự chủ) ít nhiều khiến tôi thấy mệt mỏi, chạnh lòng. Nhưng cuối cùng, khát khao cống hiến lại lớn hơn tất thảy! Tôi nỗ lực đến cùng vì hướng đến tương lai trí tuệ Việt sẽ tạo ra được những máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ người Việt; thay vì tiêu tốn hàng triệu đô cho những thiết bị nhập ngoại.
Với khát khao đó, tôi chấp nhận đối diện với khó khăn, thử thách. Tôi hiểu rằng, bất kỳ ai làm giáo dục đều phải tự học thật kỹ, thật sâu để có kiến thức mới, đem lại tri thức cao hơn cho học trò, đồng thời áp dụng hiểu biết đó vào nghiên cứu, cho ra đời nhiều sản phẩm thông minh, hữu ích.
● Chị nghĩ gì trước định kiến về giới trong nghiên cứu?
- Đâu đó vẫn còn định kiến năng lực của phụ nữ luôn kém hơn nam giới, trong giới nghiên cứu cũng vậy. Tôi xác định đã bước vào con đường này phải cạnh tranh ngang bằng với nam giới về trí lực, hiệu quả công việc, chứ không “vin” vào giới tính để mong chờ một “đãi ngộ” nào cả. Tôi xem đó là động lực để mình học hỏi, phát triển từng ngày; định kiến là thử thách chứ không phải lý do để tôi bỏ cuộc.
Không quên thiên chức
Bên cạnh những thành tựu nhất định trong công việc, TS Lê Thị Kim Nga còn là một người vợ, người mẹ trách nhiệm với gia đình.
● Chị có bí quyết gì để tổ ấm luôn hạnh phúc, hòa thuận?
- Ngày thường, tôi vô cùng bận rộn, thậm chí có những hôm không kịp chăm chút bữa cơm cho gia đình. Thế nên, để “bù đắp” cho những thiếu sót ấy, tôi dành trọn 2 ngày cuối tuần để toàn tâm toàn ý thực hiện thiên chức của người phụ nữ.
Tôi học cách nấu những món người thân yêu thích, dành thời gian mỗi tối trước khi đi ngủ để trò chuyện, nghe con chia sẻ chuyện bạn bè, trường lớp. Điều đó càng quan trọng hơn khi con út của tôi đang ở độ tuổi dậy thì. Con nhạy cảm và dễ áp lực, tự ti với những thành quả làm việc, nghiên cứu của cha mẹ. Tôi cùng chồng lựa lời giải thích cho con hiểu rằng cha mẹ mong con phấn đấu và nỗ lực vì đam mê, không bị trói buộc bởi những thành tích, con số.
● Theo chị, người phụ nữ hiện đại cần có những yếu tố gì để vừa thành công trong công việc, vừa hạnh phúc trong cuộc sống?
- Không có thước đo hay chuẩn mực nào có thể đo đếm hạnh phúc của một người. Với tôi, người phụ nữ cần có những yếu tố cơ bản là tự tin vào trí tuệ, giữ tâm luôn sáng khi theo đuổi đam mê và kỹ năng cân bằng.
Người phụ nữ sẽ cảm thấy hạnh phúc và đủ đầy khi tin vào bản thân mình và biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống, không vì trách nhiệm xã hội mà bỏ quên nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ.
● Xin cảm ơn chị!
Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu của TS Lê Thị Kim Nga được ứng dụng vào thực tế: Hệ thống quản lý tiêm chủng (2019), Hệ thống nhận dạng khuôn mặt AI (2019 - 2020), Phần mềm quản lý và tổ chức thi trực tuyến (2021), Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong bảo tàng (2019 - 2021), Nghiên cứu xây dựng mô hình gan, xác định thể tích và phát hiện bất thường của vùng gan theo chỉ định dựa trên hình ảnh y khoa chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng (2022)…
Với những đóng góp tích cực, TS Lê Thị Kim Nga được tặng danh hiệu Trí thức tiêu biểu về KH&CN tỉnh lần thứ II, năm 2018; Giải khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam năm 2017 và 2022…
DƯƠNG LINH (Thực hiện)